Ad Code

Những câu truyện đằng sau bức tranh Garvagh Madonna (Phần 1)


Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Bức “Garvagh Madonna” còn được biết đến với tên gọi “Aldobrandini Madonna”. Đây là những tên gọi đề cập đến các bộ sưu tập từng sở hữu bức tranh. Bức tranh từng thuộc bộ sưu tập Aldobrandini (Rome), lần đầu được ghi nhận vào thế kỉ 17; được bán sau khi Napoleon xâm lược Italia, chịu chung số phận giống như rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật khác trong thời kỳ bất ổn này. Bức tranh được đưa tới London, và cuối cùng, nằm trong bộ sưu tập Garvagh (Scotland). Đó là lý do tại sao tác phẩm có tên gọi “Garvagh Madonna”, dù không liên quan gì tới bản thân Raphael hay những gì ông nghĩ về bức họa.

Tác phẩm được thực hiện tại Rome (không rõ nhà bảo trợ), vào thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của Raphael. Bức họa như một dấu mốc, đánh dấu nửa chặng đường sự nghiệp của người nghệ sĩ này, trong thời điểm đó, ông cũng đang thực hiện kiệt tác vĩ đại, gây tiếng vang nhất của mình, “The Stanza della Segnatura”, trang trí cho thư viện giáo hoàng, cung điện Vatican, nổi bật là bức “The School of Athens”, một trong những hình ảnh tinh túy của nghệ thuật châu Âu. “Garvagh Madonna” thuộc thể loại nhánh mà Raphael được nhận diện nhiều nhất, Đức Mẹ và Chúa hài đồng. “Garvagh Madonna” là một bức họa nhỏ, được nhà bảo trợ trưng bày tại tư gia, sử dụng với mục đích sùng kính và cầu nguyện.

“Garvagh Madonna” thuộc thể loại tranh mà Raphael đã chuyên tâm từ khá sớm trong sự nghiệp của mình và phát triển nhanh chóng theo những cách thú vị. Trong bức họa, bạn sẽ thấy Đức Mẹ được bố cục tại vị trí trung tâm, Chúa Hài đồng với mái tóc vàng trong lòng bà, và thánh John đang rướn mình lên. Trong Phúc Âm, thánh John được miêu tả thường khoác lên mình da lạc đà, và Raphael đã thể hiện một cách đáng kinh ngạc kết cấu của bộ lông mềm mại tuyệt vời này. Ở đây, thánh John đang vươn mình lên, trao cho Chúa Hài đồng một nhành hoa cẩm chướng, loại hoa đại diện cho tình yêu thiêng liêng.

“Garvagh Madonna” được vẽ vào khoảng năm 1508, 1509 hoặc 1510, tại Rome, một vài năm sau bức “Madonna of the Pinks”, sáng tác vào năm 1506 hoặc 1507.

Trong bức “Garvagh Madonna”, Đức Mẹ và Chúa Hài đồng đang ngồi tại một căn phòng có hai cửa sổ vòm, huớng ra phong cảnh nông thôn Lã Mã thanh bình, tươi đẹp vào buổi sáng, được bao phủ bởi một làn sương mỏng với những dám mây nhẹ trôi trên bầu trời. Raphael đã dành người xem một ảnh khắc đáng suy nghẫm.

Tuy “Garvagh Madonna” chỉ có kích thước nhỏ, và dù sở hữu kỹ thuật tuyệt đỉnh, Raphael vẫn lên kế hoạch tỉ mỉ và suy tính kỹ lưỡng cho bức họa. Điều quan trọng đầu tiên đối với Raphael trong bức tranh này, đó là mời gọi sự chiêm nghiệm, và tiếp theo là suy ngẫm về ý nghĩa cũng như cách “Garvagh Madonna” đánh động tâm linh tính trong mỗi người xem.

Raphael rất quan tâm tới tâm lý học, nên có một điều rất tinh tế đó là nếu người xem chú ý quan sát những chi tiết cho thấy những nhân vật này là ai, họ sẽ khám phá thêm được những điều đặc biệt khác. Nước da của Chúa Hài đồng sáng hơn của thánh John; và làn da nâu bánh mật này của ông, ở tuổi trung niên, là bởi cái năng sa mạc, được Raphael khéo léo thể hiện dưới hình hài một cậu bé. Còn Chúa Hài đồng đang vươn ra đón lấy nhành hoa cẩm chướng từ thánh John với một ánh mắt trìu mến đầy hiểu biết; cái nhìn khiến đấng Christ thông thái hơn tuổi của mình. Điều này tương đối phổ biến trong việc mô tả Chúa Hài đồng, nhưng đã đã được truyền đạt rất tinh tế bởi Raphael trong bức họa này. Chúa Hài đồng được thể hiện, biết suy ngẫm hơn về những gì đang diễn ra và trong khi đó, biết rằng thánh John đang trao cành hoa với sự nhiệt tình của của trẻ thơ. Và như vậy, người dường như đã nhận thức được những điều tương lai sẽ mang tới, và người xem có thể thấy, Đức Mẹ cũng vậy. Bà cũng thường được khắc họa với gương mặt vương chút u sầu, nhận thức được tương lai của người con trai, cũng như cậu bé John (thánh John), điều mà làm bất cứ người mẹ nào không thể không lo lắng, rằng cả hai sẽ đều phải hy sinh, cho những lý do cao cả.

Nhưng thật tinh tế, Raphael đã đưa nốt nhạc sầu muộn này vào một cảnh, trái lại, rất vui vẻ. Ông không phải là người muốn cho chúng ta thấy nỗi đau, sự thống khổ và xung đột trong cuộc sống, đó không thực sự là những gì Raphael mong muốn truyền tải. Ông đang cố gắng cho thấy một điều gì đó hơn thế, điều mà có thể mời gọi những suy nghĩ tích cực trong ta và trao gửi cho ta một lý tưởng để vươn tới. Raphael cho ta thấy những thiên thần trong bản tính tốt đẹp của mỗi người, những điều tươi đẹp ta khát khao vươn tới trong đời sống giữa người với người; điều mà người nghệ sĩ này thực sự mong muốn.

Raphael: The Renaissance Virtuoso, National Gallery
Matthias Wivel, Curator of 16th Century Italian Pictures, National Gallery, London

Thông tin đội ngũ:

Chuyễn ngữ và biên tập: Nguyễn Anh Vũ
Hình ảnh: National Gallery
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code