Ad Code

The Victorian Style: Những biến chuyển trong thiết kế (Phần 3)

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Một trong những phông chữ thường được sử dụng và thành công về mặt thương mại ra đời trong thời kỳ này là Fat Face. Phông chữ này được thiết kế và phát triển bằng cách kết hợp hai phông chữ truyền thống là Didot và Bodoni. Phông chữ Fat Face lưu giữ các đặc tính của Didot và Bodoni như có các serif mảnh, trục trọng lượng dọc, tương phản rõ rệt giữa các nét thanh và nét đậm, …, nhưng (tại Fat Face) được thực hiện dày và đậm hơn, vô cùng hấp dẫn thị giác. Những yếu tố đồ họa trong typography kể trên có thể mang đến hoài niệm đa cảm cho bất kỳ dự án sáng tạo nào trong tương lai.

Một số phông chữ gợi nhớ tới thời kỳ Victoria có thể kể đến như Egyptian Slab serif và Clarendon; ngoài ra, có một số kiểu chữ viết tay không thể không đề cập như Aquiline Two và Austin Pen. Các phông chữ trên đều đã được số hóa; ví dụ như Austin Pen, mô phỏng lại nét chữ của Stephen F. Austin viết trong cuốn “Nhật ký trong tù Mexico” (Mexican prison diary, 1834), thực hiện bởi nhà thiết kế typeface Brian Willson. Austin Pen có hai kiểu dáng là Regular và Bold với gần 1200 glyph.

Như vậy, song hành cùng sự phát triển trong in ấn, đặc biệt là công nghệ in màu được tinh chỉnh và dễ dàng trong in ấn số lượng lớn, và manh nha của thiết kế đồ họa trong thời kỳ Victoria, hình ảnh sản phẩm, biểu tượng thương hiệu, … xuất hiện ngập tràn các sản phẩm in ấn. Báo, tạp chí, danh mục sản phẩm (product catalogues) làm nền tảng để các thương hiệu mới nổi khẳng định vị thế của mình với người tiêu dùng, đồng thời nhằm cạnh tranh thi phần với các đối thủ trong ngành. Kết quả là, với mục đích nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, các phông chữ thiết kế, gia công để trở nên đậm hơn, in ấn với nhiều màu sắc hơn, cũng như được cách điệu hơn và trở thành nét đặc trưng của một thời kỳ.

Về in ấn, trong thời đại Victoria, các nghệ nhân in ấn, nhà in, … đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật khác nhau để tái tạo bản thiết kế ban đầu; và chính sự phát triển trong kỹ thuật đã tạo điều kiện tiên quyết cho việc sao chép, in ấn số lượng lớn, giảm thiểu chi phí, khiến cho ấn phẩm trở nên phổ biến, tới tay mọi tầng lớp trong xã hội. Hai phương pháp in ấn phổ biến, ghi đấu trong thời kỳ này không thể không nhắc tới là in khắc (engraving) và in thạch bản (lithography).

In khắc thường được sử dụng cho các bản in đơn sắc. Để tạo ra các bản in đa sắc, người in cần áp dụng nhiều khối in khác nhau, riêng biệt cho từng màu. Ngoài ra, các bản in đơn sắc có thể được tô màu (giống như trong tranh Hàng Trống của Việt Nam, sau khi in nét, các nghệ nhân sẽ dùng kỹ thuật cản màu để lên màu cho bức tranh); tuy nhiên, đây là một quá trình công phu và tốn kém thời gian. Ví dụ, tác phẩm “A Christmas Carol” của Charles Dickens được in bằng phương pháp in khắc và lên màu bởi nhà mình họa người Anh John Leech vào năm 1830.

Mặt khác, kỹ thuật in thạch bản được phát minh bởi kịch sĩ, nhà viết kịch người Đức Alois Senefelder vào năm 1796, được giới thiệu vào Anh vào năm 1801 và trở thành một quy trình in ấn phổ biến vào những năm 1820, thay thế in khắc vì tính linh hoạt và tốn ít chi phí hơn. In thạch bản ứng dụng các quy trình hóa học đơn giản để tạo ra hình ảnh. Phần dương bản của hình ảnh được tạo nên bởi các chất đẩy nước (kỵ nước) và hình ảnh âm bản sẽ là chất giữ nước (ưa nước); như vậy, sau khi mực và nước được đưa lần lượt lên bề mặt in, mực sẽ bám vào phần dương bản và nước sẽ làm sạch phần âm bản. Điều này khiến bản in với kỹ thuật in thạch bản có bề mặt phẳng, bền và chi tiết hơn các  phương pháp in vật lý cũ như các kỹ thuật in relief và intaglio. Năm 1851, năm mà cuộc Đại Đấu Xảo (the Great Exhibition) được tổ chức, cũng là thời kỳ đỉnh cao của in thạch bản (và in thạch bản đa sắc). Tuy nhiên, các thí nghiệm với quá trình thu hình và sự phát triển của các kỹ thuật quang khắc cũng dần thay thế phương pháp in này.

Reference:

Wikipedia, Victorian architecture

Wikipedia, Victorian decorative arts

Johanna Fenander, Retro graphics, Sendpoint publishing co., 2019

Graphic Design History, The Victorian Era

Thông tin đội ngũ:

Biên soạn: Nguyễn Anh Vũ
Hình ảnh:  Bảo tàng Van Gogh
Chỉ đạo nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code