Ad Code

Arts & Crafts, Nguồn gốc và Ảnh hưởng (Phần 1)

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Arts & Crafts là một xu hướng quốc tế trong mỹ thuật, nghệ thuật trang trí, được phát triển sớm và đầy đủ nhất tại Anh và sau đó lan rộng ra châu Âu, châu Mỹ và thế giới; phát triển mạnh mẽ trong khoảng từ năm 1860 đến năm 1920. Phong trào được khởi xướng nhằm chống lại sự bần cùng hóa nhận thức trong nghệ thuật trang trí và điều kiện sản xuất dần trở nên tồi tệ. Arts & Crafts là gốc rễ và có ảnh hướng mạnh mẽ đến Phong cách Hiện Đại (hay Modern Art Nouveau style, Phong cách Tân nghệ thuật Anh). Tại Nhật Bản, phong trào cũng nổi lên vào những năm 1920 với tên gọi Mingei (民芸, Nghệ thuật dân gian).

Arts & Crafts đại diện cho nghề thủ công truyền thống, với  phong cách trang trí trung cổ, lãng mạn và dân gian thường được sử dụng. Phong trào ủng hộ cải cách kinh tế và xã hội và định hướng chống công nghiệp hóa. Phong trào có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nghệ thuật châu Âu cho đến khi bị thay thế bởi chủ nghĩa Hiện đại vào những năm 1930; tuy nhiên, Arts and Crafts vẫn có ảnh hướng tới các nhà sản xuất thủ công, các nhà thiết kế và quy hoạch thị trấn rất lâu sau đó. 

Thuật ngữ Arts & Crafts lần đầu tiên được sử dụng bởi T. J. Cobben-Sanderson tại một cuộc họp của Hiệp hội Triển lãm Nghệ Thuật và Thủ công (Arts and Crafts Exhibition Society) vào năm 1887, mặc dù các nguyên tắc và phong cách mà Arts & Crafts dựa trên đã được phát triển ít nhất 20 năm ở Anh. Thuật ngữ được lấy cảm hứng từ ý tưởng của kiến trúc sư Augustus Pugnin, nhà văn John Ruskin và nhà thiết kế William Morris. Ngoài ra, tại Scotland, phong trào cũng gắn liền với nhân vật quan trọng như Charles Rennie Mackintosh.

Như đã nói, phong trào Arts & Crafts nổi lên từ nỗ lực cải cách thiết kế và nghệ thuật trang trí tại Anh giữa thế kỷ 19. Phong trào là phản ứng chống lại sự suy giảm nhận thức về các tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy. Phê bình của các nhà cải cách theo phong trào được củng cố bởi những sản phẩm được trưng bày tại cuộc Đại Đấu xảo năm 1851, họ cho rằng chúng được trang trí bóng bảy quá mức, nhân tạo và không chú trọng đến chất liệu. Nhà sử học nghệ thuật Nikolaus Pevsner viết rằng các buổi triển lãm bộc lộ “sự thô tục đến từng chi tiết” (“vulgarity in detail”).

Cải cách thiết kế bắt đầu với các nhà tổ chức Triển lãm Henry Cole (1808–1882), Owen Jones (1809–1874), Matthew Digby Wyatt (1820–1877) và Richard Redgrave (1804–1888), tất cả đều phản đối những đồ trang trí bóng bẩy, không thực tế hoặc những sản phẩm kém chất lượng. Các nhà tổ chức đã “nhất trí trong việc lên án các cuộc triển lãm như vậy.”

Ví dụ, Owen Jones phê bình rằng "các kiến trúc sư, thợ bọc đồ nội thất, thợ làm giấy dán tường, thợ dệt, thợ in calico và thợ gốm” đã tạo ra "cái mới mà không đẹp, hoặc cái đẹp mà không tiện dụng”. Từ những phê bình về sản xuất này đã nổi lên không ít ấn phẩm đặt ra những nguyên tắc thiết kế được cho là chính xác bởi người viết. “Báo cáo bổ sung về Thiết kế” (Supplementary Report on Design, 1852) của Richard Redgrave đã phân tích những nguyên tắc về thiết kế và trang trí, đưa ra mong muốn “logic hơn trong việc áp dụng trang trí” (“more logic in the application of decoration”). Các tác phẩm khác cũng theo một mạch lập luận tương tự, chẳng hạn như “Nghệ thuật công nghiệp thế kỷ 19” (Industrial Arts of the Nineteenth Century, 1853) của Wyatt, “Khoa học, Công nghiệp và Nghệ thuật” (Wissenschaft, Industrie und Kunst, 1852) của Gottfried Semper, “Phân tích trang trí” (Analysis of Ornament, 1856) của Ralph Wornum, “Hướng dẫn thiết kế” (Manual of Design, 1876) của Richard Redgrave và “Văn phạm của trang trí” (Grammar of Ornament, 1856) của Owen Jones. “Văn phạm của trang trí” có ảnh hưởng đặc biệt, được trao như phần thưởng cho cho sinh viên và tái bản chín lần vào năm 1910.

Owen Jones tuyên bố rằng vật trang trí “phải là thứ yếu so với vật được trang trí”, vật trang trí phải có “sự phù hợp với vật được trang trí”, giấy dán tường và thảm không được có bất cứ họa tiết nào “gợi lên bất cứ thứ gì khác ngoài cấp độ hoặc sự đơn giản”. Những tác giả trên ủng hộ các họa tiết tự nhiên, phẳng, được đơn giản hóa và cho rằng vải và giấy dán được trưng bày tường trong cuộc Đại Đấu xảo nên được trang trí bằng những họa tiết tự nhiên trông thực nhất có thể. Redgarve nhấn mạnh rằng “phong cách” yêu cầu sự thi công chuẩn trước khi trang trí; và nhận thức phù hợp về chất lượng của vật liệu được sử dụng. “Tính tiện ích phải được ưu tiên hơn tính trang trí”. Tuy nhiên, các nhà cải cách thiết kế giữa thế kỷ 19 này đã không tiến xa như các nhà thiết kế của phong trào Arts & Crafts. Họ quan tâm nhiều đến trang trí hơn việc sản xuất, họ không có hiểu biết đầy đủ về các phương pháp sản xuất và cũng không chỉ trích các phương pháp sản xuất công nghiệp. Ngược lại, Arts & Crafts – một phong trào cải cách thiết kế, lại giống như một phong trào xã hội; và những người tiên phong đã không bao giờ tách biệt riêng rẽ hai điều này.

Reference:

Design is History, The Arts and Crafts movement

Wikipedia, Arts and Crafts movement

Johanna Fenander, Retro graphics, Sendpoint publishing co., 2019

The Art Story, The Arts and Crafts Movement, History and Concepts 

Thông tin đội ngũ:

Biên soạn: Nguyễn Anh Vũ
Hình ảnh:  Bảo tàng hoàng gia Ontario
Chỉ đạo nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.



Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code