Ad Code

Arts & Crafts, Những nguyên lý trong thiết kế và xã hội (Phần 3)

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

"Để tiếp nối chuỗi bài về Arts & Crafts, hôm nay b|ank-|ab xin giới thiệu tới các bạn phần ba về những nguyên lý trong thiết kế và xã hội của phong trào. Bài viết sẽ chia sẻ những quan điểm, nhận xét cũng như thực hành thiết kế, sáng tạo của những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất của phong trào như nhà thiết kế William Morris, kiến trúc sư C. R. Ashbee, hay nhà thiết kế W. A. S. Benson."

William Morris có chung quan điểm với John Ruskin về xã hội công nghiệp, phê bình các nhà máy đương thời, sự phân công lao động, chủ nghĩa tư bản và sự thất truyền các kỹ thuật thủ công lâu đời. Nhưng thái độ của William Morris đối với máy móc đôi khi không nhất quán. Có lúc, William Morris phê phán rằng sản xuất bằng máy móc "hoàn toàn là một tệ nạn” (altogether an evil). Nhưng có khi, ông sẵn lòng giao công việc cho những nhà sản xuất có thể đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe với sự hỗ trợ của các thiết bị cơ khí. William Morris cũng từng bình luận, trong một “xã hội đích thực”, nơi không sản xuất những thứ xa xỉ hoặc rẻ rúng, máy móc có thể được cải tiến để giảm thời gian lao động. Nhà sử học văn hóa người Anh Fiona MacCarthy từng nói “không giống như những người nhiệt thành sau này như (Mohandas) Gandhi, William Morris không phản đối việc sử dụng máy móc, miễn là chúng tạo ra (sản phẩm với) chất lượng đề ra.”

William Morris nhấn mạnh rằng nghệ sĩ nên là một nhà thủ công-thiết kế (a craftman-designer) làm việc với chính đôi tay của mình. Ông còn ủng hộ một xã hội với những nhà thủ công tự do mà ông tin rằng đã tồn tại trong thời Trung cổ. William Morris từng viết “Bởi vì những nhà thủ công yêu thích công việc họ làm” và “thời Trung cổ là thời kỳ tuyệt diệu trong nghệ thuật từ những con người bình thường. Những báu vật trong bảo tàng mà chúng ta có hiện nay chỉ là những vật gia dụng thường nhật thời kỳ đó, và mỗi nhà thời Trung cổ là một kiệt tác dựng lên bởi những người nông dân bình dị.” Nghệ thuật Trung cổ là hình mẫu cho phần lớn thiết kế của phong trào Arts & Crafts; đời sống, văn học, kiến trúc Trung cổ là lý tưởng cho phong trào.

Những người có cùng tư tưởng với William Morris cũng có quan điểm khác nhau về máy móc và hệ thống nhà máy. Ví dụ, vào năm 1888, kiến trúc sư, nhà thiết kế người Anh Charles Robert Ashbee, một nhân vật trung tâm của phong trào, đã nói rằng “Chúng tôi không khước từ máy móc, chúng tôi hoan nghênh nó.” Sau khi bất thành trong việc chống lại các phương pháp sản xuất mới ở ngay tại Nghiệp đoàn và Trường học Thủ công (Guild and School of Handicraft), ông thừa nhận rằng “nền văn mình hiện đại phụ thuộc vào máy móc”, nhưng C. R. Ashbee vẫn tiếp tục chỉ trích những tác động tiêu cực của cơ giới hóa, “quá trình sản xuất một số mặt hàng cơ khí cũng gây hại tới sự lành mạnh của một quốc gia không kém phần so với việc trồng mía từ sự lao lực của nô lệ hoặc sản xuất đồ sứ từ mồ hôi của trẻ em.” (the production of certain mechanical commodities is as bad for the national health as is the production of slave-grown cane or child-sweated wares.).

Mặt khác, nhà thiết kế người Anh William Arthur Smith Benson không hề e ngại trong việc sửa đổi phong cách Arts & Crafts trong việc sản xuất đồ kim loại ở điều kiện công nghiệp. Alan Crawford viết trong cuốn “W. A. S. Benson, Máy móc, và phong trào Arts & Crafts ở Anh quốc” (W. A. S. Benson, Machinery, and the Arts and Crafts in Britain) rằng “Không giống như các đồng nghiệp của họ ở Hoa Kỳ, hầu hết người thực hành phong trào Arts & Crafts ở Anh có những cảm tính tiêu cực mạnh mẽ về máy móc. Họ cho rằng ‘người thợ thủ công’ phải là một người tự do, sáng tạo và làm việc bằng chính đôi tay của mình, ‘máy móc' là vô hồn, lặp đi lặp lại và bất nhân. Những hình ảnh tương phản này một phần bắt nguồn từ tác phẩm ‘Những phiến đá của Venice’ (The Stones of Venice) của John Ruskin (1819–1900), một trước tác về lịch sử kiến trúc của Venice, tố cáo mạnh mẽ về chủ nghĩa công nghiệp hiện đại mà sau này các nhà thiết kế phong trào Arts & Crafts nhấn mạnh nhiều lần. Sự nghi ngại đối với máy móc đã khiến các xưởng thủ công nhỏ quay lưng lại với thế giới công nghiệp ở những năm 1900, trong khi tiếp tục sử dụng các kỹ thuật tiền công nghiệp để tạo ra những thứ mà họ gọi là ‘sản phẩm thủ công’.”

Tham khảo:
Design is History, The Arts and Crafts movement
Wikipedia, Arts and Crafts movement
Johanna Fenander, Retro graphics, Sendpoint publishing co., 2019
The Art Story, The Arts and Crafts Movement, History and Concepts 

Thông tin đội ngũ:

Chuyển ngữ, biên tập: Nguyễn Anh Vũ
Hình ảnh: Hessisches Landesmuseum Darmstadt, Brohan Museum
Chỉ đạo nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật.

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code