Ad Code

Arts & Crafts, Những nhà cải cách (Phần 2)

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Augustus Pugin

Một số ý tưởng của phong trào đã được dự đoán bởi kiến trúc sư người Anh Augustus Welby Northmore Pugin (1812-1852), một nhà lãnh đạo phục hưng phong cách Gothic trong kiến trúc. Giống như điều mà các nghệ sĩ phong cách Arts & Crafts hướng tới sau này, Augustus Pugin ủng hộ sự kỹ lưỡng trong lựa chọn vật liệu, cũng như sự hoàn hảo trong cấu trúc và chức năng. Augustus Pugin đã nêu rõ khuynh hướng của các nhà phê bình xã hội là so sánh những sai lầm của xã hội hiện đại với thời Trung Cổ - một xu hướng trở thành thông lệ đối với phong trào Arts & Crafts, ví dụ như trong sự phát triển bất thường của các thành phố, sự phân biệt đối xử đối với người nghèo , …

Cuốn sách “Những sự tương phản” (Contrasts, 1836) của ông đã đưa ra ví dụ về sự tồi tệ của các tòa nhà hiện đại cũng như trong việc quy hoạch đô thị, tương phản với những ví dụ điển hình thời trung cổ. Người viết tiểu sử của ông, Rosemary Hill, đã chú thích rằng “đi đến kết luận, gần như tình cờ, về tầm quan trọng của công việc thủ công và kiến trúc truyền thống, điều đó sẽ cần phần còn lại của thế kỷ cũng như nỗ lực phối hợp giữa John Ruskin và William Morris để hiện thực hóa”. Cô mô tả những nội thất dự phòng mà ông chỉ định cho một tòa nhà vào năm 1841, như “ghế cói, bàn gỗ sồi”, là “nội thất phong cách Arts & Crafts giai đoạn phôi thai”.

John Ruskin

Triết lý của phong trào Arts & Crafts được bắt nguồn, phần lớn, từ sự phê bình xã hội của John Ruskin, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những tác phẩm của Thomas Carlyle. John Ruskin đã liên hệ tính chất xã hội và đạo đức của một quốc gia với phẩm chất kiến trúc và bản chất công việc của quốc gia đó. Ông phê bình hình thức sản xuất cơ giới hóa và sự phân công lao động tạo ra trong cuộc Cách mạng Công nghiệp là “lao động nô lệ”, và cho rằng một xã hội lành mạnh và có đạo đức cần những người lao động độc lập, những người thiết kế những thứ họ làm ra.

John Ruskin phê phán các sản phẩm sản xuất từ nhà máy là “không chân thực”, giả tạo; trong khi đó, tôn vinh các sản phẩm thủ công là kết hợp hoàn hảo của kỹ thuật khéo léo và chất lượng vật liệu cùng với phẩm giá của người nghệ nhân. Thực tế, những người ủng hộ sản phẩm thủ công, với lo ngại về việc thất truyền các kỹ thuật cổ, nhìn nhận vấn đề ở hệ thống sản xuất nhà máy hơn là do bản thân máy móc. Ý tưởng về thủ công của William Morris về cơ bản không phải là làm việc không có máy móc hỗ trợ, mà là không có sự phân công lao động (division of labour).

William Morris

William Morris (1834-1896) là nhân vật nổi tiếng nhất trong thiết kế cuối thế kỷ 19 và là người có ảnh hướng quan trọng đến phong trào Arts & Crafts. Tầm nhìn thẩm mỹ và xã hội của phong trào được hình thành từ những ý tưởng mà ông phát triển vào những năm 1850 với Birmingham Set - một nhóm sinh viên tại Đại học Oxford trong đó có Edward Burne-Jones, người đã kết hợp tình yêu văn học lãng mạn với cam kết cải cách xã hội. John William Mackail cho rằng tác phẩm “Quá khứ và hiện tại” (Past and Present, tháng 4, 1843) của Thomas Carlyle và “Các họa sĩ hiện đại” (Modern Painters, 1843-1860) của John Ruskin là những trước tác giàu cảm hứng và tôn vinh sự thật. Chủ nghĩa thời trung cổ trong tác phẩm “Cái chết của Arthur” (Morte d'Arthur, 1485) của Thomas Malory đã đặt ra tiêu chuẩn cho phong cách trong thời kỳ đầy. Theo lời của Burne-Jones, họ có ý định "tiến hành Thánh chiến chống lại thời đại” (wage Holy warfare against the age).

William Morris bắt đầu thử nghiệm với nhiều đồ vật thủ công khác nhau đồng thời thiết kế sản phẩm và không gian nội thất. Cá nhân ông không chỉ tham gia vào quá trình thiết kế, mà cả quy trình sản xuất, đây chính là dấu ấn của phong trào Arts & Crafts. Như John Ruskin đã lập luận, việc tách rời hoạt động trí tuệ trong thiết kế với hoạt động thủ công trong sáng tạo sẽ gây hại về cả phương diện thẩm mỹ và xã hội. William Morris tiếp tục phát triển theo tư tưởng của John Ruskin, và nhấn mạnh rằng người nghệ nhân không nên tiến hành công việc trước khi tự mình làm chủ được kỹ thuật và có vật liệu thích hợp, hơn nữa “nếu không có công việc có tính sáng tạo và tử tế, con người sẽ trở nên mất kết nối với sự sống”.

Vào năm 1861, William Morris bắt đầu sản xuất đồ nội thất và đồ vật trang trí cho mục đích thương mại, mô hình hóa cả thiết kế theo phong cách Trung cổ, đồng thời sử dụng các màu sắc và hình thái táo bạo, mạnh mẽ. Các họa tiết được dựa trên những hình thái động thực vật và sản phẩm được lấy cảm hứng từ truyền thống nông thôn bản địa nước Anh. Để tạo ra một vẻ ngoài mộc mạc, mang tính thủ công, một số họa tiết còn được cố tình bỏ dở. William Morris đã nỗ lực không ngừng trong cả sự nghiệp để kết hợp các hình thức nghệ thuật trang trí, nhấn mạnh tính tự nhiên cùng sự đơn giản.

Reference:

Design is History, The Arts and Crafts movement

Wikipedia, Arts and Crafts movement

Johanna Fenander, Retro graphics, Sendpoint publishing co., 2019

The Art Story, The Arts and Crafts Movement, History and Concepts 

Thông tin đội ngũ:

Chuyển ngữ, biên tập: Nguyễn Anh Vũ
Hình ảnh: National Library of Wales,
Birmingham Museum and Art Gallery
Chỉ đạo nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật.

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code