Ad Code

Linh Giang: ‘Q&A - Nghề account cho mình học tính kiên nhẫn và thấu hiểu’ | blank-lab

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Từ một nhà thiết đồ họa, Linh Giang đã chuyển hướng sang làm nhà ‘ngoại giao’ (account executive) trong cùng lĩnh vực. Một trong những bước đi mở ra cơ hội cũng như thách thức với cô nàng.

Linh Giang tự hào với bản thân khi cô có một trải nghiệm khá “huy hoàng”. Khi tôi còn là một cậu bé chỉ biết chơi thì Giang đã tiếp xúc và ‘cảm’ hết tất cả những chất liệu trong hội họa / thiết kế. Trong buổi trò chuyện tôi có phần hào hứng, có phần lạc trôi, chính bởi các câu chuyện rất là cuốn hút, một hành trình trải  nghiệm đáng học hỏi như lứa trẻ mới học thiết kế như tôi. Nguyễn Phạm Linh Giang từng học 1 năm tại trường Đại học Kiến Trúc ngành thiết kế đồ họa, học 4 năm ngành Graphic & Interactive Design (tạm dịch: Thiết kế đồ họa & tương tác) - học viện nghệ thuật Minerva Hà Lan và may mắn được học trao đổi 4 tháng tại Đại học công nghệ Auckland, New Zealand. 

Cô còn là một người năng động tham gia rất nhiều hoạt động. Lúc còn học đại học Kiến trúc, Giang có cơ hội làm thiết kế tại Saigon Flea Market hẳn 1 năm. Kể cả khi đi du học cô cũng rất hoạt bát, tham gia làm công tác hỗ trợ sinh viên Việt Nam tại Hà Lan mặc dù lộ trình học đại học rất bận rộn. Đến khi về Việt Nam, Giang cộng tác làm đồ họa tại Halography 2019 và đi làm thiết kế gần 1,5 năm RMA (Richard Moore Associated). Đúng như Giang nói, cô có rất nhiều trải nghiệm mà đáng để ngưỡng mộ nhưng ‘đùng một cái’, cô đã từ bỏ những công việc hiện tại và 'bẻ cua' làm một ngành nghề mới khiến cho bạn bè, gia đình không khỏi bất ngờ.

“Lúc Giang du học, mình nhận ra rất nhiều điều, mình có đôi lúc tự ti về khả năng sáng tạo ý tưởng của bản thân trước các bạn học quốc tế. Mỗi lần làm đồ án, cùng một vấn đề nhưng các bạn ấy lại đưa ra được những giải pháp, ý tưởng cực kì mới, thực tiễn và hiệu quả. Chính điều ấy cũng khiến mình nhận ra, có lẽ bản thân phù hợp với việc phân tích vấn đề hơn là thực hiện các giải pháp đồ họa. Mình đã rời khỏi trường vào học kỳ cuối cùng, sau khi nộp tiểu luận tốt nghiệp và thảo luận rất nhiều với các thầy hướng dẫn tại Minerva, một lý do nữa là do dịch covid-19!” - Linh Giang bày tỏ.

Khi bàn về chủ đề làm account tôi biết Giang có vẻ khiêm tốn với những gì cô ấy có. Giang rất thích đùa với câu cửa miệng là do nghèo nên người ta mới mời làm account. Còn tôi trả lời lại rằng: “Người ta nhận thấy năng lực của chị thì mới mời chị làm đấy!”. Cô ấy từng xin nhập học trường thiết kế tại Hà Lan, lúc đó nhận được bài thi đầu vào là phải giải quyết một vấn đề thực tế, Giang gửi lại bài làm dưới hình thức viết mà không phải là thiết kế hay vẽ vời gì cả. Tôi nghe đến đây thôi thì đã phát hiện cô đúng là hợp làm nghề account bởi lẽ Giang có tư duy phân tích, giải thích tốt và sự chịu khó, siêng năng. Và bài làm đó theo tôi được biết, khá là chi tiết và giải nghĩa đơn giản nhất bằng tiếng Anh đối với 1 sinh viên ngoại quốc như cô. Với những tính cách đó, Giang xứng đáng đảm nhiệm vị trí làm account executive như ngày hôm nay.

Vậy là sau 1 năm làm ở vị trí account cho 1 công ty, 1 đội nhóm thiết kế nhỏ với một số kinh nghiệm đáng để học hỏi, blank-lab đã có dịp hẹn gặp, nghe cô kể về ‘tất tần tật’ mọi thứ kèm những lời khuyên của cô ấy dành cho các bạn thiết kế muốn làm freelance designer (nhà thiết kế tự do)

Giang có thể nói một chút về công việc này cho độc giả blank-lab biết đến không?

Nếu có một lời giải thích thì mình hay đùa rằng account là chức năng đổi chiều (revert) của UNO, kiểu phải biết linh hoạt và lấy lòng giữa hai bên để có thể hoàn thành dự án. Nói rõ hơn là phải hiểu rõ khách hàng và cả đội nhóm mình, trở thành phiên tòa ‘bất đắc dĩ’ hóa giải những vấn đề một cách hợp tình, hợp lý. Lúc mới bắt đầu, mình cảm thấy rất nhát. Nhát kèm theo sợ đủ thứ: gặp khách, rồi sợ nói chuyện với người lạ..Nhưng cũng may mắn được tổ nghề đãi ngộ, mình đã tiếp thu một cách nhanh chóng qua dự án đầu tiên.

Bạn từng là nhà thiết kế đồ họa với nhiều năm kinh nghiệm, giờ thì trở thành account cho cùng lĩnh vực, bạn thấy đó có phải lợi thế của mình không?

Với mình, đúng là mình có nhiều lợi thế trong ngành nghề này vì căn bản mình xuất phát từ đứa thiết kế nhưng cũng sẽ có nhiều kỹ năng mới cần học hỏi đại loại như: giao tiếp, trình bày, lên kế hoạch, lập báo giá, tư duy phản biện.. Một account giỏi sẽ biết ‘cân đo đong đếm’ mọi việc từ rất nhỏ đến to tùy vào trường hợp cụ thể. 

Theo bạn công việc của nhà ‘ngoại giao’ là gì? 

Công việc của một account cũng khá là nhiều khâu, chẳng hạn như tìm hiểu về khách hàng. Thông thường mình sẽ yêu cầu trực tiếp từ phía công ty để họ có thể gửi câu chuyện về thương hiệu (brand story), tập tin chia sẻ định hướng, mục tiêu, tầm nhìn của công ty hoặc với sản phẩm họ lựa chọn. Còn lại thì chủ yếu thông qua website, trang fanpage mà bạn dễ dàng tìm được trên mạng. Cuối cùng là cần một chút "nhạy cảm” ngay trong quá trình mình tư vấn, trò chuyện với khách để suy đoán được thẩm mỹ, suy nghĩ, góc nhìn của họ với việc thiết kế. Sau những buổi thảo luận có cả tư vấn giúp khách có thể chốt brief, mình bắt đầu quá trình sản xuất thiết kế.

Mỗi công ty sẽ có một quy trình làm việc khác nhau về cách liên kết giữa nhóm thiết kế và khách hàng, một phần còn do mức độ khối lượng nhân lực hay độ phức tạp của dự án. Nhiệm vụ của mình là sẽ luôn nói chuyện, tổng hợp ý kiến từ khách hàng để đưa đến team thiết kế và ngược lại. Bên cạnh đó, những công việc khác như sắp xếp thời gian, chi phí phù hợp cho các bên nữa. Theo kinh nghiệm làm 2 đầu việc của mình thì với công ty mức phí tương đối cố định, nhưng với freelance (làm tự do) mỗi dự án trước khi gửi báo giá, mình đều sẽ phải ngồi họp và nói chuyện với nhóm nhiều lần.

Có những vấn đề giao tiếp với khách hàng thông qua brief (tạm dịch: đề bài để làm việc giữa khách hàng và nhóm thiết kế) chưa rõ thì mình sẽ phải hỏi lại kỹ càng. Mình đã có những lúc gặp những khách hàng ‘không có chuyên môn về thiết kế’, mình phải chậm rãi tư vấn họ từ những thuật ngữ đơn giản của thiết kế đồ họa. Hay đến giai đoạn feedback (sữa chữa) thì mình sẽ xem xét sản phẩm có đúng brief chưa rồi mới đi thuyết phục sao cho khách hàng hiểu công ty / nhóm mình làm vậy là có lý do. Đôi lúc mình có đưa các trường hợp ví dụ cụ thể để tạo cơ sở cho các lập luận..

Bạn đã có bao giờ ‘nản’ với công việc phải ‘chiều lòng’ 2 bên chưa? 

Nản thì mình chưa nản bao giờ, mình nghĩ nghề account là dành cho mình rồi, mình thích được làm việc với con người, được giải thích cho hai bên hiểu được công việc của nhau. Mình chỉ sợ một điều là nếu 2 bên không có ‘tiếng nói chung’ mọi việc sẽ phải kéo dài, đôi khi là màn đập đi xây lại thôi và nghiêm trọng hơn sẽ cãi vã rồi phốt trên mạng.. Mình thấy học hỏi rất nhiều, nhờ làm account bạn phải biết mềm dẻo, uyển chuyển, ‘liệu cơm gắp mắm’..

Bạn có bị khách hàng ‘chơi’ đội ngũ thiết kế / công ty của bạn chưa?

Tất nhiên là có, mình thật sự rất ‘sốc’. Sẽ có những cú lừa khá thú vị rằng khách hàng không thích điều gì đó trong bản thiết kế mà không lưu ý với nhóm trước hoặc nhận brief 1 người, người feedback 1 nẻo. À ừ thì, tình trạng lúc đó tương đối hỗn loạn và phải hủy làm, trở lại quá trình ngồi brief. Thỉnh thoảng bạn còn gặp tình trạng rất hài hước: nay trời không tốt, như phong thủy, chính trị, vì con của bác ở nước nào đó bảo là như vậy không hợp với thời đại (well) nên đổi brief nha..

Giang có chia sẻ gì về quy trình làm việc với vai trò account executive cho dự án thiết kế?

Với vai trò account, thường ban đầu khi được khách hàng ‘book show’, mình sẽ bắt đầu tìm hiểu nhu cầu của họ qua một danh sách câu hỏi nhất định. Các câu hỏi vừa để giúp khách hàng xác định lại những thông tin thương hiệu, đồng thời xác định nhu cầu thiết kế, mức chi phí khách hàng có thể chi trả. Đối với một vài khách hàng ‘gắt gao’ thì sẽ cần mình gửi portfolio (các dự án đã thực hiện) của nhóm để xem, hoặc gửi các thiết kế / moodboard. Sau đợt trao đổi lần đầu, mình sẽ làm rõ mọi vấn đề, chuyển brief cho team, đồng thời lên timeline (mốc thời gian) cho dự án. Khi nhóm hoàn thành các phần cần gửi, mình sẽ đọc lại để so sánh với brief, hỗ trợ trình bày để gửi. Nếu có các buổi họp trao đổi thêm, mình sẽ là người ghi chú lại và xác nhận thông tin vào cuối buổi. Dự án kết thúc, mình sẽ là kiểm tra các file chuyển giao, đồng thời theo dõi hợp đồng và hỗ trợ khách..

Một số lời khuyên dành cho các bạn muốn trở thành freelance designer (thiết kế tự do) kiêm luôn chức account executive?

Có lẽ lời khuyên lớn nhất của mình là các bạn thiết kế hãy kiên nhẫn hơn, rõ ràng hơn về hợp đồng, quyền lợi, chi phí khi làm việc với khách hàng. Mình cũng từng làm thiết kế và may mắn tiếp xúc với nhiều khách hàng đa dạng như: HDBank, Thaco, Sunhouse..hay như vừa rồi mình làm việc cho SEA chẳng hạn. Mình biết sự khó chịu của các bạn khi nhận những feedback mang hơi hướng vô lý với các bạn, ‘đụng chạm’ vào ý tưởng của bạn trong sản phẩm. Mentor (người hướng dẫn) của mình từng nói điều này: Khách hàng họ không biết gì về thiết kế cả, vậy nên mình cần educate (chỉ dạy) cho họ từ từ. Theo thời gian, khi mình tham gia nói chuyện tư vấn nhiều hơn, mình cũng nhận thấy điều này. Không phải khách hàng không hiểu, mà là họ thật sự chưa có kiến thức để hiểu một lĩnh vực hoàn toàn khác với những gì họ biết. Vậy nên, hãy kiên nhẫn giải thích những thuật ngữ, hay những gì bạn làm một cách dễ hiểu hơn. 

Bên cạnh đó, việc làm rõ về hợp đồng, quyền lợi, chi phí, sẽ hỗ trợ các bạn rất nhiều, nhất là các bạn làm freelancer. Đừng nghĩ dự án chỉ vài triệu thì chẳng cần làm hợp đồng! Kinh nghiệm của mình là việc lên hợp đồng sẽ giúp bạn giải quyết các cuộc tranh cãi, mâu thuẫn nhanh hơn bạn nghĩ đến 85% đó. Tất nhiên, nếu bạn nghĩ có hợp đồng sẽ giúp bạn kiện tụng dễ hơn, thì cũng không hẳn nhé. Nhưng biết nhiều kiến thức một chút, có thêm nhiều bằng chứng một chút, thì cũng đâu thiệt gì hen..

Cuối cùng, đừng đặt góc nhìn/suy nghĩ của bạn lên khách hàng nha. Luôn cố gắng xác định những gì họ muốn thông qua hình ảnh sẽ dễ hình dung chính xác hơn ngôn từ, thường là vậy. Đó là lý do bạn nên có kỹ năng lập moodboard để khách hàng dễ hình dung hơn cái vibe (tạm dịch: cảm xúc) họ muốn, hoặc điều bạn sẽ mang lại cho họ.


Tips: 10 keywords mà Nguyễn Phạm Linh Giang muốn gửi đến độc giả cho dự án sắp được showcase tại blank-lab là research, bảo tàng, mona lisa, out of the box, prototype, du khách, truyền thông, tương tác, check - in, sự nổi tiếng.


Series "Nhân vật truyền cảm hứng" sẽ là talkshow thu nhỏ dưới hình thức blog, đó là những câu chuyện truyền cảm hứng của các nhà thiết kế đồ họa trẻ. Mục đích muốn tạo một cộng đồng thiết kế, sáng tạo cùng học hỏi lẫn nhau, biết đâu các bạn sẽ được truyền cảm hứng từ những điều đơn giản này!








Thông tin đội ngũ:

Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được nhân vật cung cấp!
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work
Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code