Ad Code

Art Nouveau, Nghệ thuật mới (Phần 1)

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

"Trong bài viết ngày hôm nay, blank chúng mình xin được chia sẻ tới các bạn giới thiệu chung về lịch sử hình thành, các nhà thiết kế lỗi lạc, ... của Art Nouveau, một phong trào có ảnh hưởng toàn cầu, sở hữu nhiều tên gọi khác nhau, mang tính khu vực hóa nhất, và là phong cách đại diện cho sự tự do và giải phóng ở thời kỳ này."

Art Nouveau là một phong cách quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn trong hội họa, kiến trúc, mĩ thuật ứng dụng, nghệ thuật trang trí. Phong trào được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như Jugendstil (Phong cách Trẻ) ở Đức, Stile Liberty (Phong cách Tự do) ở Ý, Modernisme (Phong cách Hiện đại) ở Catalan, tương tự như ở Anh với tên gọi Modern Style. Đỉnh cao của Art Nouveau là giữa những năm 1890 và 1910, trong thời kỳ Belle Époque (tiếng Pháp, Thời kỳ tươi đẹp) khi các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghệ thuật, … và cả đời sống, xã hội ở châu Âu đều đã có những bước phát triển vượt bậc, và phong cách dần rơi và quên lãng khi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra vào năm 1914.

Phong trào Art Nouveau là một phản ứng chống lại Nghệ thuật Hàn lầm, Chủ nghĩa Chiết trung và Chủ nghĩa Lịch sử trong kiến trúc và trang trí ở thế kỷ 19. Art Nouveau đặc trưng bởi việc ứng dụng những đường uốn lượn và những đường cong, được lấy cảm hứng từ những hình thái tự nhiên như đường uốn lượn của cây cỏ, hoa lá. Đặc điểm khác của Art Nouveau là tạo cảm giác chuyển động; điều này đạt được bởi việc sử dụng các đường nét bất đối xứng, sử dụng, kết hợp các vật liệu khác , đặc biết là sắt, thủy tinh, gốm sứ và sau này là bê tông, nhằm tạo ra các hình thái cách điệu, mới mẻ, không gian mở, …

Một mục tiêu chính của Art Nouveau là phá bỏ sự phân biệt truyền thống giữa nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và điêu khắc, với mỹ thuật ứng dụng. Mục tiêu này được các nhà thiết kế theo phong cách Art Nouveau áp dụng rộng rãi nhất trong thiết kế nội thất, mỹ thuật đồ họa, thiết kế sản phẩm nội thất, thiết kế sản phẩm thủy tinh, dệt may, gốm sứ, trang sức và sản phẩm kim loại.

Phong cách chịu ảnh hưởng nhiều từ tư tưởng của các nhà lý luận hàng đầu thế kỷ 19 như kiến trúc sư người Pháp Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc (1814–1879), nhà phê bình nghệ thuật người Anh John Ruskin (1819–1900), hay nhà thiết kế William Morris (1834-1896) cũng như từ chính phong trào Arts & Crafts. Các kiến trúc sư và nhà thiết kế người Đức theo phong cách Art Nouveau cũng dày công kiếm tìm một Gesamtkunstwerk, một tác phẩm nghệ thuật kết hợp, hội tụ các giá trị của kiến trúc, nội thất và mỹ thuật theo một phong cách chung, nhằm nâng cao tinh thần và truyền cảm hứng cho người sử dụng.

Những ngôi nhà được thiết kế và trang trí theo phong cácg Art Nouveau đầu tiên xuất hiện ở thành phố Brussels, Bỉ vào những năm 1890. Tại thời điểm này, ta không thể không nhắc đến những cái tên như kiến trúc sư người Bỉ Paul Hankar, Henry van de Velde, và đặc biệt Victor Pierre Horta, kiến trúc sư thiết kế tòa nhà Hôtel Tassel, được hoàn thành vào năm 1893. Thị hiếu này nhanh chóng ảnh hưởng tới "kinh đô ánh sáng" Paris, nơi được nhà thiết kế người Pháp Hector Guimard tinh chỉnh và áp dụng cho lối vào của Paris Métro. Phong cách đạt đỉnh cao tại Triển lãm Quốc tế tại Paris năm 1900, nơi trưng bày và giới thiệu các tác phẩm theo phong cách Art Nouveau của các nghệ sĩ như Louis Comfort Tiffany, … Art Nouveau cũng dần xuất hiện trong mỹ thuật đồ họa, điển hình là các poster của Alphonse Mucha, đồ thủy tinh của René Lalique và Émile Gall, …

Từ Bỉ và Pháp, Art Nouveau lan sang phần còn lại của Châu Âu, mang những tên gọi và đặc điểm khác nhau ở mỗi quốc gia. Phong cách thường xuất hiện, không chỉ ở các thủ đô, mà còn ở các thành phố đang phát triển, muốn thiết lập bản sắc nghệ thuật như Turin và Palermo ở Ý, Glasgow ở Scotland, Munich và Darmstadt ở Đức, … cũng như ở các trung tâm mà phong trào diễn ra độc lập như Helsinki ở Phần Lan, một số vùng ở Nga, Barcelona ở Tây Ban Nha, …

Đến năm 1914, và khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất bắt đầu, Art Nouveau dần chìm vào quên lãng. Trong những năm 1920, phong cách được thay thế bởi Art Deco và sau đó là Chủ nghĩa Hiện đại. Cuối cùng, phong cách Art Nouveau bắt đầu nhận được sự quan tâm tích cực hơn từ các nhà phê bình vào cuối những năm 1960, với một cuộc triển lãm lớn về tác phẩm của Hector Guimard tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại vào năm 1970.

Tham khảo:
Wikipedia, Art Nouveau
The Art Story, Art Nouveau
Johanna Fenander, Retro graphics, Sendpoint publishing co., 2019

Thông tin đội ngũ:

Chuyển ngữ, biên tập: Nguyễn Anh Vũ
Hình ảnh: MoMa
Chỉ đạo nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật.

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code