Ad Code

Minh Double: 'Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Hành trình từ đau thương đến hòa bình' | blank-lab

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Việt Nam là một trong những quốc gia có bề dày lịch sử chiến tranh lâu dài và nặng nề nhất. Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được thành lập nhằm ghi dấu những dữ kiện và bằng chứng qua từng cuộc chiến, để gợi nhắc về một đất nước anh dũng, hy sinh và đáng trân trọng của một dân tộc. Với những giá trị và đóng góp rất rộng của bảo tàng, vì vậy nơi đây xứng đáng có được hình ảnh nhận diện để vươn tầm quốc tế, phù hợp với đối tượng khách hàng, mang hình ảnh đương đại và dễ tiếp cận hơn so với sự lỗi thời, rập khuôn trước đó. 

Dự án được nhen nhóm từ lần đầu bước chân vào bảo tàng, mình đã từng rất kỳ vọng về một hình ảnh hiện đại, hấp dẫn như những bảo tàng trên thế giới đã làm, nhưng sau chuyến tham quan mình cảm thấy nơi đây chưa thực sự làm được điều đó, mình đã tự vấn rằng tại sao một nơi cộng đồng có giá trị đóng góp to lớn như vậy lại không thể xây dựng hình ảnh chỉn chu như trên thế giới, và hơn nữa là du khách nước ngoài đến đây tham quan lại chiếm đa số, điều này sẽ vô thức tạo ra những định hướng suy nghĩ không khả quan của họ về việc xây dựng hình ảnh Việt Nam. Từ những suy nghĩ đó mình đã bắt đầu dự án cải tạo lại hình ảnh cho bảo tàng, mang một ngôn ngữ, hình ảnh thời đại, có tính biểu tượng và tiêu chuẩn cơ bản về thẩm mỹ hơn.

Sau 2 lần tham quan và nghiên cứu mình nhận ra các nội dung trưng bày của bảo tàng xoay quanh về những cuộc chiến, sự hy sinh, đến những sự kiện kháng chiến, đấu tranh giành quyền và cuối cùng là tình cảnh hậu chiến, những niềm tin và khát vọng, mưu cầu hòa bình. Từ những nội dung đó mình đã viết nên câu chuyện “FROM PAIN TO PEACE” - đây cũng là concept cho toàn bộ thiết kế.






Bắt đầu với việc cải tạo lại logo, logo cũ có những hình ảnh, nội dung và ý nghĩa có thể khai thác được như chim bồ câu hiện thân cho hòa bình và quả bom biểu trưng cho sự tàn khốc của chiến tranh. Tách lớp hình ảnh, ý nghĩa của logo cũ, kết hợp với concept đã xây dựng, mình đã thiết kế một biểu tượng mới giữ trọn được giá trị bao hàm của bảo tàng và truyền tải thông điệp của concept. Đuôi bom với ngụ ý của chiến tranh đại diện cho “PAIN”, chim bồ câu của hòa bình đại diện cho “PEACE”, kết hợp hai hình ảnh đó cho ra một biểu tượng bồ câu đang vươn lên từ nỗi đau, sự thống khổ để đến với những khát vọng, hòa bình, tương lai mới, điều này ứng với thông điệp “FROM PAIN TO PEACE”. Cách tạo hình logo với ngôn ngữ tinh giản, cô đọng tối đa giúp bảo tàng có được một cái nhìn quốc tế, hiện đại, mang tính biểu tượng và linh hoạt trong ứng dụng. 

Dựa trên concept, bộ 3 biểu tượng được xây dựng thêm bên cạnh logo nhằm nhấn mạnh từng giai đoạn của cuộc chiến và hành trình đi đến hòa bình. Biểu tượng giọt máu đại diện cho thời kì đau thương, loạn lạc, hi sinh; còn ngôi sao đại diện cho những phong trào kháng chiến, đứng lên đấu tranh, niềm tin mãnh liệt và niềm tự hào dân tộc; cuối cùng là hình tròn tựu chung cho sự đoàn kết, hòa bình và thống nhất. Bộ 3 màu sắc cũng mang những khái niệm riêng biệt: xám hoài niệm, đỏ kháng chiến, xanh lá hòa bình. Tất cả thành tố đồ họa đều gắn liền thành bộ 3 như logo có 3 khối hình, 3 biểu tượng chính, 3 màu sắc chính bởi lẽ bảo tàng có 3 không gian trưng bày chính trong toàn bộ tòa kiến trúc.







Khi ứng dụng vào các hạng mục thiết kế, mình đã kết hợp với phong cách Swiss pha trộn một chút Brutalism nhằm tạo dựng cái nhìn cổ điển nhưng hiện đại, nghiêm trang, sự sắp xếp khoa học, quốc tế, dễ dàng linh động ứng dụng và tương đối cơ bản để đạt được yếu tố thẩm mỹ, dễ tiếp nhận, đồng thời lựa chọn cách đặt để con chữ và hình ảnh tương phản mạnh, nổi bật và đậm nét từ “Propaganda” gợi nhắc đến tinh thần cổ động, kháng chiến mãnh liệt. 

Do đây là chủ đề nhạy cảm khi liên quan đến chính trị và nhiều yếu tố khác, nên Swiss là lựa chọn tối ưu để xây dựng hình ảnh trung tính, không quá thiên kiến về một phong cách cá tính nhất định nào. Với những hệ thống quy tắc cơ bản, khoa học của Swiss, toàn bộ thiết kế được ứng dụng dễ dàng, linh hoạt, từ những “infographic” đến “environment design”, từ “printing” đến “digital” đều đem đến tổng thể nhất quán. Hình ảnh thường được xử lý bằng kỹ thuật halftone lấy cảm hứng từ những tờ báo ngày xưa, biến thiết kế trở nên hoài niệm, nhuốm màu lịch sử, mờ ảo như những ký ức thời cuộc.









--
Mình tên là Trần Minh Nhật Minh (Minh Double) hiện đang làm nhà thiết kế thương hiệu tại Bracom Agency, ngoài ra mình còn là nhà thiết kế tự do. Đến với blank-lab mình xin kể câu chuyện tập quan sát, phân tích của mình. Sau đó thì mình sẽ showcase dự án thương hiệu, các bạn đón xem nhé 🥰


Thông tin đội ngũ:

Nội dung: Minh Double
Thiết kế: Minh Double
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work
Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code