Ad Code

Minh Double: ‘Quan sát, phân tích là giai đoạn cần có trong quá trình sáng tạo’ | blank-lab

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Một buổi sáng với cơn mưa chào đón tại Sài Gòn, chúng tôi có hẹn với Minh Double để trò chuyện những câu chuyện xung quanh công việc của anh. Với chiếc kính đen dày vuông vức có nét gì đó rất bí ẩn, Minh Double đem đến những câu chuyện làm chúng tôi hào hứng, vừa học hỏi, vừa hiểu hơn về công việc làm thiết kế sáng tạo..

“Lần đầu biết đến nguyên lý thị giác cũng là lúc mà mình nhận ra bản thân đã bén duyên với ngành thiết kế đồ họa..”

Trần Minh Nhật Minh hay Minh Double tốt nghiệp trường Đại học Văn Lang chuyên ngành Thiết kế đồ họa, hiện anh đang là Brand designer (nhà thiết kế thương hiệu) tại một studio / agency và cũng là một freelancer (nhà thiết kế tự do). “Lúc học cấp 3, mình thừa nhận bản thân học khá giỏi nhiều môn thế nhưng vẫn chưa tìm được ngành học nào cho phù hợp. Nhà mình thì khá thoải mái với  việc tự do chọn nghề để học, thế là mình nghĩ tới ngành thiết kế đồ họa vì hồi đó mình thích vẽ và cũng được gia đình khen, mà cũng chả biết có phải do ‘con hát mẹ khen hay’ không nữa..” - Anh hài hước chia sẻ. 

Học ở trường tạo cho Minh Double nhiều trải nghiệm, học hỏi nhiều điều mới mẻ. Anh được học qua những mảng liên quan đến thiết kế từ kiến thức cơ bản: nguyên lý thị giác đến kiến thức chuyên ngành: thiết kế nhận diện thương hiệu, công nghệ in ấn, thiết kế quảng cáo, xuất bản.. Từ đó tạo cho anh nền tảng đầu tiên và càng yêu thích ngành nghề này hơn: “Lúc mình học năm nhất Đại học, nguyên lý thị giác là một trong những môn đầu tiên mình được tiếp xúc, giảng viên dạy cho mình hiểu lý do tại sao một thiết kế đẹp, ý nghĩa và vai trò của mọi thứ trong một tác phẩm, dự án. Mình hào hứng và tự nhận thấy bị cuốn với cái nghề này” 

“Học cách quan sát, phân tích sẽ giúp cho dự án trở nên có cơ sở và thuyết phục hơn..”

Sự hiếu kỳ trong Minh Double ngày càng mạnh mẽ, anh chịu khó tìm hiểu và học những kỹ năng để đáp ứng nhu cầu cho ngành nghề này. Anh phân chia rõ có 2 kỹ năng lớn cần được cải thiện là tư duy sáng tạo và công cụ. Song, việc học tư duy được anh chú trọng nhiều hơn: “Mình nghĩ kỹ năng tư duy về sáng tạo là kỹ năng khó nhất và cũng phải cần rèn luyện mỗi ngày. Một trong số cách mà mình học kỹ năng này là luyện tập khả năng quan sát, phân tích và tìm tính thẩm mỹ của mọi sự vật” - Anh chàng thổ lộ.

Kỹ năng tư duy lại có rất nhiều những yếu tố nhỏ tạo thành. Anh có khẳng định thêm với chúng tôi rằng, để mà kể về trải nghiệm của riêng anh, anh chàng khá quan tâm đến kỹ năng: sự quan sát, phân tích - điều mà anh hay luyện tập đến bây bây giờ.. 

Quan sát sự vật, sự việc một cách chi tiết rồi đánh giá, phân tích nó một cách có chiều sâu hơn khi giải quyết vấn đề, tìm ra những yếu tố tiềm năng có thể khai thác để ứng dụng. Mình quan sát mọi thứ để phân tích kỹ càng nó trước khi thiết kế, điều đó giúp cho thiết kế  có cơ sở để thuyết phục và lý do nó tồn tại rõ ràng hơn..

Chẳng hạn khi làm về thiết kế bao bì bánh thì mình sẽ cần biết cái bánh đó cần có cái gì, có màu sắc như nào, nhân nó ra sao, hương vị và cảm xúc khi ăn bánh, rồi mình bắt đầu làm, đưa những yếu tố đó vào trong thiết kế. Hay vẽ chiếc lá cũng vậy, nhìn kiểu dáng của nó, màu sắc, cấu trúc, vâng vâng, cũng từ đó mà thế giới có được những thiết kế phỏng sinh học dựa trên cấu trúc của tự nhiên. Quan sát thật kỹ và cố gắng hiểu ý nghĩa của nó cũng như khả năng ứng dụng..” - Anh bộc bạch.

Thực hiện một quy trình làm một dự án thương hiệu, anh bắt đầu tìm hiểu mọi ngóc ngách của dự án, những khái niệm mở rộng xung quanh nó và những yếu tố tiềm năng có thể khai thác được. “Từ những tài nguyên đã có mình sẽ tận dụng để đưa vào thiết kế, thông thường sẽ bắt đầu với việc lên concept, việc tìm kiếm concept cũng sẽ song hành với thể nghiệm để đảm bảo khả năng thành phẩm ra cuối cùng được nhất quán, thể nghiệm đầu tiên mình thường bắt đầu với logo, tiếp đến là key visual và cuối cùng là ứng dụng lên các phương tiện khác nhau tùy yêu cầu dự án. Ngoài ra thì còn ti tỉ thứ khác trong suốt quá trình đó nữa, nhưng tổng quan với mình là như thế ” - Minh Double nói thêm.

Dự án redesign (tạm dịch: thiết kế lại hình ảnh thương hiệu đã có trước đó) về Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là dự án ở trường giúp anh tổng kết lại quá trình luyện tập, rèn luyện những kỹ năng đồ họa. Trong quá trình luyện tập được tổng hợp từ việc quan sát, thu thập những yếu tố cần và đủ để tạo nên hình ảnh thương hiệu: “Sau quá trình tham quan và tìm hiểu vấn đề thì mình đã tìm ra sự kết hợp giữa hình ảnh quả bom (chiến tranh) và hình tượng chim bồ câu (hòa bình) để thể hiện cho concept (tạm dịch: là những ý tưởng mang tính bao quát, định hướng chung cho dự án) ‘FROM PAIN TO PEACE’ (tạm dịch: từ những nỗi đau, chiến tích đến hòa bình). Đó là dự án War Remnants Museum của mình..

Nhờ công việc và được cọ xát với những dự án thực tế, Minh Double càng cải thiện thêm nhiều kỹ năng phục vụ cho công việc đồ họa của anh. Anh bày tỏ bản thân sẽ học hỏi nhiều mảng của đồ họa hơn để phát triển bản thân trong tương lai.

Tips: 10 keywords mà Minh Double muốn gửi đến độc giả cho dự án sắp được showcase tại blank-lab là museum, war, peace, pain, swiss, brutal, branding, visual, identity, graphic, symbol. 

Series "Nhân vật truyền cảm hứng" sẽ là talkshow thu nhỏ dưới hình thức blog, đó là những câu chuyện truyền cảm hứng của các nhà thiết kế đồ họa trẻ. Mục đích muốn tạo một cộng đồng thiết kế, sáng tạo cùng học hỏi lẫn nhau, biết đâu các bạn sẽ được truyền cảm hứng từ những điều đơn giản này!






Thông tin đội ngũ:

Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh: Minh Double
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work
Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code