Ad Code

An Sen: Sự tự do bất tận khi bắt đầu rong chơi và chụp ảnh film | blank-lab

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Làm ngành thiết kế sáng tạo ‘để được’ chụp ảnh film 


Kể về tuần này của tháng, tôi có dịp trò chuyện với An Sen - nhà thiết kế đồ hoạ liên ngành ở Sài Gòn. Với lời mời giới thiệu từ blank-lab, chưa từng biết đến An Sen, và tôi được gửi một bài dự án thiết kế của cô, điều đầu tiên chắc hẳn tôi sẽ khai thác chuyện tương tự như thế, thế nhưng không. 

Bằng một cách nào đó, siêu năng lực mách bảo rằng tôi phải ‘rình rập’ chiếc facebook của An Sen để có thể hiểu nhiều hơn. Tôi tin cô sẽ biểu hiện ‘sơ hở’ một điều gì đó trên mạng xã hội, để tôi có ‘cơ hội’ lấy làm ý tưởng. Ngay pin post (bài viết được ghim đầu trang cá nhân), Sen không chia sẻ các dự án về thiết kế mà đính kèm một bài phỏng vấn với trang tạp chí Lomography, một phong trào chụp ảnh film phá vỡ các quy tắc truyền thống để tạo nên những bức ảnh lạ, khác thường, nhấn mạnh ở màu sắc, cùng với các yếu tố ngẫu nhiên đến từ chủ thể, ánh sáng.. Sau khi đọc, và như điều tôi dự đoán, An Sen có niềm đam mê với máy film hơn là thiết kế sáng tạo.
 



Sự ngẫu hứng bất chợt thậm chí là bất cẩn, bộc phát trong từng thước film được tráng ra đã đem đến những trải nghiệm bất ngờ, độc đáo cho chính cô và cả người xem như tôi. Khi bắt đầu tìm hiểu facebook An Sen, tôi khá ấn tượng với bài viết Lomography dành cho cô, và tôi cực kỳ thích câu hỏi: “Bức ảnh của bạn là 'slice of life - những lát cắt của cuộc sống’ một cách hoàn hảo, có phải chăng là mục đích ẩn ý gì sau đó?

Một ấn tượng khác về Sen, cô có chia sẻ với tôi, việc chụp ảnh film là niềm vui to lớn của cô, những chiếc ảnh cô chụp như phản chiếu chính tâm hồn cô, một tâm hồn khát khao sự tự do vượt ngoài khuôn khổ và quy tắc, không quan tâm đến các quan điểm thẩm mỹ thuần tuý. Đối với cô, chụp ảnh film mang đến cho cô nhiều trải nghiệm với hơn 10 cung bậc cảm xúc khác nhau, có khi rất mâu thuẫn và đối lập, rất riêng và phải chính bản thân tự trải qua mới cảm nhận trọn vẹn.  



Máy: Minolta X-700. Film: Kodak Tri-X 400 (Expired 1979)



Máy: Minolta X-700. Film: Fujichrome Velvia 50 E6 processed (Unknown date)


Có sự chờ đợi (chờ chụp hết một cuộn mới đem ra lab tráng được, chờ kết quả ảnh gửi từ lab). Có sự hy vọng (chụp film không xem ảnh ngay được, chỉ thấy ảnh khi lab gửi kết quả)

Sự vui mừng (có ảnh), sự buồn bã (khi ảnh hư, tiếc tiền, tiếc mất ảnh của những khoảnh khắc đã chụp), sự chuyên nghiệp (khi chụp được ảnh film  đẹp, nhất là chụp vào ban đêm)

Sự trân trọng và khoan dung với ảnh lỗi (khi chụp film  chỉ cần  có ảnh là mình vui lắm rồi, những ảnh lỗi như loé sáng, out focus, rung.. bỗng trở nên “duyên dáng” vì đây là những hiệu ứng tự nhiên và độc đáo, khó bắt chước hay giả lập, sắp đặt được 

Sự sáng tạo (mỗi loại film  sẽ có độ màu, grain, hiệu ứng khác nhau, mỗi dung dịch tráng film  trong quy trình sẽ cho kết quả ảnh khác nhau, cách lắp film vào máy cũng tạo nên sự khác biệt, tiêu biểu là redscale)

Sự độc bản (người chụp sở hữu được âm bản hay dương bản của cuộn film, từ âm bản hay dương bản này có thể scan và sao chép hàng tỷ bản ảnh kỹ thuật số như nhau, nhưng âm bản hay dương bản chỉ có duy nhất một bản mà thôi, và tồn tại trong thực tế chứ không đơn thuần trên nền tảng kỹ thuật số)

Sự khan hiếm (vì giá cuộn film  khá mắc và hầu như những chiếc máy ảnh film đã ngừng sản xuất từ lâu, hiện tại mọi người hay dùng và mua bán lại những chiếc máy ảnh đã qua sử dụng)

Và cuối cùng, nhưng trên hết là sự tự do bất tận (vì kết quả ảnh không kiểm soát hay quản lý được, mọi kỹ thuật chụp ảnh đều mang tính tương đối, kết quả ảnh thu được  đến từ một bên thứ 2 là phòng lab, mình cũng hoàn toàn không quản lý được, những rủi ro có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, có lo hay mong muốn cũng vô ích vì chưa chắc nhận được kết quả như ý, nên mình vô lo),” Cô thổ lộ.



Máy: Konica Genba Kantoku 28 WB. Film: Kodak Gold 100 (Unknown date)



Máy: Olympus OZ10 Panoramic. Film: Fuji Quality 100 (Expired 2019)



Máy: Asahi Pentax k1000. Film: Kodak Color Plus 200 (Indate 2020)



Máy: Minolta Riva AF35. Film: Kodak Ultramax 400 (Indate 2020)

Bức ảnh & nét chồng chéo của film khi chụp một khung cảnh nhiều lần. Duy nhất cho một tấm ảnh..

An Sen tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa trường Đại học Kiến trúc TPHCM năm 2019, cô vẫn đang tiếp tục hành nghề trên con đường thiết kế này nhưng càng về sau, cô bộc bạch bản thân không còn thiên hẳn về nó, mà chuyển dần sang hướng liên ngành multidisciplinary, “mình xem việc thiết kế đồ họa thành công cụ của mình để thực hiện những dự định khác,” 

Kể về hành trình của Sen, năm cấp 3, cô sử dụng chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên được mua bởi số tiền dành dụm từ học bổng để chụp lại bất cứ cái gì mình thích. Đến khi học ngành thiết kế đồ họa, cô dùng máy ảnh  để chụp showcase sản phẩm của các dự án thiết kế, “lúc này mình chụp ảnh có mục đích và có sự sắp xếp hơn, tuy nhiên, mình vẫn chưa hiểu về các thông số kỹ thuật cơ bản như khẩu độ, tốc độ chụp, iso, thông số lens..



Máy: Minolta X-700. Film:  FOCAL ATG 400 (Unknown date)



Máy: Minolta X-700. Film:  Kodak Ultramax 400 (Expired 2023)


Đầu năm 2020, cô bắt đầu sử dụng máy ảnh film, Sen thừa nhận  bản thân hoàn toàn bị nó chiếm giữ bởi sự thoải mái, một điều gì đó ‘thật khó nói’ ở film  đã bắt trọn vẹn tâm hồn cô gái. “Mình chỉ mới biết và hiểu một chút về các thông số kỹ thuật chỉ sau khi sử dụng máy ảnh film, một bé đã từng làm trong phòng lab tráng film đã dắt mình đi từng bước đầu tiên, bé rất kiên nhẫn giải thích và chỉ mình nhiều trò thú vị từ nhiếp ảnh film mà có lẽ là nhiếp ảnh kỹ thuật số không bao giờ có được,” Cô chia sẻ thêm

Những chủ đề mà Sen chụp thường liên quan đến phong cảnh hay đường phố, như tôi đã nhắc ở phần đầu, một phóng viên người Philippines thuộc Lomography đã gọi những bức ảnh của cô là “lát cắt của cuộc sống” (slice of life). Đúng thế, nó không đơn giản là những bức hình dạo chơi ngoài phố, nó được thể hiện nhiều hơn nữa thông qua cách chụp ảnh chồng film. Nhiều hình ảnh nằm chồng chéo, đan xen lên nhau, bố cục ngẫu hứng như chơi tranh xé dán vậy, nhiều lát cắt ghép thành một bức ảnh tổng thể. Có lúc, trong tưởng tượng, tôi còn nghe cả âm thanh tiếng nháy từ màn trập của người chụp hay âm thanh phát ra từ khung cảnh đang diễn ra từ các bức ảnh.

“Cảm hứng chụp film của mình đến từ 2 người & 1 bộ phim..”


An Sen thổ lộ thêm với tôi rằng, mình được truyền cảm hứng từ 2 người, 1 bộ phim. Đó là Xuân Mộc & Vivian Maier. “Xuân Mộc là cô bé đã dẫn dắt mình vào con đường chụp ảnh film từ những bước đầu tiên, vẫn thường hay đồng hành trong những chuyến đi loanh quanh tìm và lưu những khoảnh khắc.

Người thứ 2 đó là Vivian Mayer, kiếm sống bằng nghề bảo mẫu, chẳng liên quan gì đến nhiếp ảnh nhưng bà là người đã chụp những hình ảnh đường phố Mỹ vào khoảng thế kỉ XX, như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. 




Fujica Drive, film Kodak Vision 500T


Tuy nhiên, khi còn đương thời không ai biết đến bà, người ta chỉ biết đến bà khi bà đã qua đời, một người đã vô tình phát hiện ra những cuộn film  chưa tráng với khoảng 30.000 tấm ảnh, bạn có thể tìm hiểu kĩ hơn khi xem bộ phim tư liệu ‘Finding Vivian Maier’,

Còn bộ phim tên là Kodachrome, bộ phim được lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật, xoay quanh hành trình của một nhiếp ảnh gia từ New York đến Kanas để tráng cuộn Kodachrome trước khi phòng lab tráng film dương bản cuối cũng đóng cửa vĩnh viễn và cùng chứng kiến thế giới nhiếp ảnh chuyển từ Analog sang Kỹ thuật số, bộ phim này đã giúp mình hiểu rõ hơn và tạo niềm yêu thích mạnh mẽ về film  dương bản,” An Sen kể

Cô gái còn giới thiệu với tôi một chút về các chiếc máy ảnh film mà cô đã trải nghiệm: “Khi chụp, chỉ cần 1 chiếc máy ảnh và cuộn film, nhưng có muôn vàn sự lựa chọn về loại film, hình thức máy cũng như các phụ kiện phù hợp theo sở thích hay mục đích các loại filter hay lens sẽ cho các hiệu ứng ảnh và màu sắc khác nhau, tùy vào độ nghịch của bạn, riêng với mình, mình có 3 chiếc máy ảnh film, đó là Fujica Drive, Konica Genba Kantoku 28WB, Minolta X-700, mỗi loại là một dòng khác nhau, đem lại những trải nghiệm chụp ảnh và kết quả ảnh khác nhau,” 

(…)



Film: Kodak Vision 2 500T (Indate 2022


Máy: Canon Sure Shot A1. Film: Fuji C200 (Expired 2019) 



Máy: Minolta X-700. Film: Fuji Redscale Homemade (Fuji C200 Expired 2020)



Máy: Minolta X-700. Film: Kodak vison 2 100 T (Removed remjet I Indate 2020)



Máy: Fujica Drive. Film: Kodak Vision 2 500T (Indate 2022)


[Một chút về tráng film thủ công] Tráng film thủ công cần sự cẩn trọng, tỉ mỉ, của người làm, ngày nay, hầu như máy móc đã hỗ trợ việc này. Nếu là một ‘dân chơi trải nghiệm’, sẽ thật tuyệt vời khi bắt đầu tráng từ phim đen trắng (black&white BW) đến phim dương bản (positive)..

Tráng film thủ công đòi hỏi người thực hiện cần có nhiều kỹ năng như thao tác, cách pha chế, tỷ lệ hóa chất (thuốc) đến kỹ thuật. “Việc tráng film  không hề đơn giản. Với những loại film khác nhau sẽ có cách thực hiện khác nhau. Từ công thức, người tráng sẽ có thể tác động tạo hiệu ứng như ý muốn thay vì tráng nguyên bản,”

Film được đưa vào phòng tối để đảm bảo không có ánh sáng lọt vào, cho film  phản ứng với thuốc (được pha sẵn với công thức ở tỷ lệ nhất định). Sau khi tiếp xúc bề mặt film nơi có các nhũ tương nhạy sáng dẫn đến hình ảnh xuất hiện trên bề mặt giấy ảnh.

Quá trình chuẩn bị bao gồm một khay đựng thuốc hóa chất, film được bỏ vào khay khoảng 30 - 40s và gây tác dụng hóa học, đến khi film hiện hình ảnh trên bề mặt. Tiếp đó sẽ bỏ vào nước, thuốc và film  vẫn tiếp tục phản ứng với nhau để định hình hình ảnh. Nếu chưa đạt, lại tiếp tục bỏ film  lại vào khay đựng thuốc hóa học.

“Nhiệt độ sẽ là phần gây ảnh hưởng đến quá trình định hình film, người tráng phim phải cân bằng giữa nhiệt độ ổn định cùng nồng độ pha thuốc chuẩn. Vì chỉ lệch vài millilit, hay phản ứng thêm bớt 5-10s thì ảnh ra sẽ rất khác,” Chia sẻ từ anh Nguyên, nhân vật phỏng vấn của Vnexpress

Bạn có thể đọc thêm về bài viết từ Vnexpress: Tráng phim - công đoạn cuối cùng quyết định của ảnh phim.

--
Xin chàooooooooo, cảm ơn Blank-lab đã cho mình có cơ hội để chia sẻ, mọi người hay gọi mình là An Sen, đây cũng là tên mình hay dùng để ghi tên vào các tác phẩm nghệ thuật, cũng không ít người nhầm tưởng tên thật mình tên An Sen haha, nhưng mình tên Nguyễn Bảo Thuỳ An. Cảm ơn blank đã cho mình chia sẻ về câu chuyện nhiếp ảnh dưới góc nhìn của một người nghiệp dư - amateur và mọi chia sẻ dưới đây đều là trải nghiệm và quan điểm của cá nhân mình. Hãy đọc bài viết về mình & xem những tác phẩm của mình sắp ‘trình làng’ tại blank-lab nhé!😍


Thông tin đội ngũ:

Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work
Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.




Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code