Ad Code

Hoàng Hoàng: “Mình nghĩ Thiết kế bề mặt đòi hỏi sự hài hòa giữa đồ hoạ-hội hoạ và thời trang” | b|ank-|ab

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Không khó để tìm hiểu về Surface Design, nhưng các bài viết giới thiệu về chúng bằng tiếng Anh là chủ yếu. & Surface Design ở Việt Nam thật sự vẫn là ẩn số lớn. Vì vậy chúng mình sẽ cung cấp 01 góc nhìn về lĩnh vực này ~

Trong tuần gần đây nhất, chủ đề Surface / Pattern Design là đề tài mà mình cần phải khai thác. Mình có những tìm hiểu xung quanh nó, và đặc biệt là cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Hoàng Hoàng. Trong số bài viết đặc biệt chào mừng 2023, chúng mình sẽ nói về chủ đề này tại blank.

Hoàng Hoàng & Những ngày đầu thiết kế Surface / Pattern

Hoàng Hoàng (Lê Trọng Hoàng) - họa sĩ thiết kế đồ họa / vẽ minh họa Surface với 07 năm kinh nghiệm trong ngành thời trang trung - cao cấp, kể từ lúc anh còn ngồi trên giảng đường Đại học. Hiện tại, anh chàng đang ở Huế và làm họa sĩ tự do. “Mình tốt nghiệp trường đại học Nghệ Thuật Huế, chuyên ngành thiết kế đồ hoạ.”

Cơ duyên mà Hoàng tiếp cận với phân nhánh này, anh chia sẻ, thật bất ngờ khi tranh của anh được một nhãn hàng thời trang thấy trên mạng xã hội Instagram. Họ đã liên hệ với anh và đề xuất về phần hợp tác sáng tạo thiết kế kỹ thuật số để sản xuất trên chất liệu vải. 

Sau thành công dự án thiết kế họa tiết dành cho Bộ sưu tập mà Hoàng nhận lời trong lần hợp tác dạo trước (khoảng cuối năm 2016), anh chàng càng hứng thú và tìm cách dấn thân, tìm cơ hội cho công việc này.

Anh thổ lộ thêm: “Với nghề thiết kế Surface / Pattern, mình nhận ra rằng đây là một cái duyên. Và cảm thấy thật may mắn khi bản thân đã tìm ra được một công việc thực sự phù hợp với bản thân mình. Bên cạnh đó thì thu nhập khá ổn định và giá trị bản thân đang được dần dần được công nhận từ công việc này cũng là một phần lý do mình lựa chọn gắn bó.”

Khái niệm Surface Design? Những trải nghiệm đầy mới mẻ, quá trình học hỏi đầy thể nghiệm

Surface Design (Thiết kế bề mặt) là một công việc thiết kế sáng tạo những hình ảnh, hình vẽ thành các hoa văn, họa tiết lặp đi, lặp lại theo cấu trúc nhất định hoặc theo bố cục tự do để áp dụng các kỹ thuật in ấn, thêu, đan, dệt, điêu khắc hoặc xử lý chất liệu lên trên các bề mặt như trên giấy, vải, gốm sứ..

“Chúng ta có thể quan sát thấy sự có mặt của surface design trên ở khắp mọi nơi, từ những tấm vải hoa, những tờ giấy gói quà, bìa sổ tay, giấy dán tường.. Có thể nói chúng ta tiếp xúc với surface design rất nhiều, từ vật dụng, áo quần hàng ngày cho đến những đồ đạc nội thất và cả ở những mô thức trang trí cho công trình kiến trúc,” Hoàng chia sẻ!

Thiết kế bề mặt là giai đoạn đầu trước khi đưa đến những khâu khác như sản xuất hay lựa chọn chất liệu. Surface Design như là 01 thành viên trong 01 đội ngũ thiết kế sáng tạo có vai trò riêng biệt. Những sản phẩm thiết kế Surface kết hợp lĩnh vực thời trang nổi bật trong thời điểm vừa qua: Triển lãm khăn Hermes được thiết kế nhiều họa tiết nổi bật hồi tháng 10, màn kết hợp giữa Louis Vuitton & nghệ sĩ thị giác Yayoi Kusama với những chấm bi (polka dots).. 

Nhận ra được tiềm năng về Surface Design vốn có, cùng với cơ hội mà anh được trải nghiệm, Hoàng kể thêm: “Lúc khi mới bắt đầu thiết kế surface trong lĩnh vực thời trang, mình cũng phải nghiên cứu thêm, ngoài việc thiết kế kỹ thuật số thì phải cân bằng được tính ứng dụng trong sản phẩm và tính mỹ thuật. Cũng không ít lần mình gặp phải những sự cố không mong muốn như khi file (tệp) thiết kế bị lỗi. 

Và mình phải chịu trách nhiệm đền bù với cả trăm thậm chí cả nghìn mét vải đã được in ra. Chính yêu cầu khắt khe về đồ hoàn thiện của thành phẩm cũng như nhận ra sự quy mô trong khâu in ấn, sản xuất dần dần đã tạo nên cho mình một thói quen làm việc cầu toàn hơn, cẩn trọng hơn và có trách nhiệm hơn.” Anh chàng chia sẻ

Có khoảng thời gian Hoàng cảm thấy mình đơn độc khi lựa chọn công việc này, trong khi những mảng khác trong thiết kế luôn có một cộng đồng của riêng mình - nơi mà những con người làm chung một lĩnh vực có thể trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và gặp gỡ lẫn nhau. “Cho đến hiện tại, có thể nói rằng ở Việt Nam không nhiều hoạ sĩ-nhà thiết kế lựa chọn công việc này là một công chủ chốt và lâu dài, đa số sẽ là hợp tác làm việc một vài dự án nhỏ lẻ cùng với các thương hiệu.” Anh nói

Đối với công việc này, trải nghiệm có thể nói là “sướng” nhất đối với anh chính là khi tận mắt chứng kiến những thiết kế hoạ tiết của mình sau khi được in trên vải chúng được may thành những chiếc váy, những trang phục hết sức cầu kỳ và tinh tế. “Mình vẫn luôn xúc động khi nhìn ngắm những sản phẩm của mình được trình diễn trên sàn runway (sàn diễn thời trang), và cả ngạc nhiên, thích thú khi vô tình thấy những thiết kế của mình đang được mang bởi một người nổi tiếng nào đó..”

Những câu hỏi Q&A đại khái như: Kỹ năng để thiết kế Surface? Quy trình sáng tạo riêng biệt của anh?

Theo Hoàng, để có thể trở thành người thiết kế Surface cần những kỹ năng gì?

Đối với mình thì Surface Design là điểm giao nhau giữa Hội hoạ, đồ hoạ và thời trang. Đầu tiên để trở thành một surface design bạn phải có kỹ năng vẽ của một hoạ sĩ để có thể tạo ra những họa tiết, hoa văn có tính thẩm mỹ, cách sử dụng phối hợp màu sắc, thủ pháp tạo hình và quan trọng nhất là phong cách cá nhân của một hoạ sĩ.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật bạn cũng phải cần có hiểu biết về cách sử dụng các phần mềm đồ hoạ để có thể tối ưu hóa công việc của mình. Sau khi tạo ra những hoa văn hoạ tiết, bạn phải biết sắp xếp chúng thành các bố cục phù hợp, đây là lúc mà tư duy của một nhà thiết kế đồ hoạ được sử dụng. Hiện nay phần lớn các sản phẩm đều được sản xuất hàng loạt bằng công nghệ kỹ thuật số vậy nên việc tạo ra một file (tệp) in kỹ thuật số có tính hoàn thiện và chính xác cao là điều bắt buộc.

Và cuối cùng nếu bạn muốn trở thành một surface design chuyên về lĩnh vực thời trang thì bạn phải có một vốn kiến thức cơ bản về thời trang như hiểu về quy trình tạo ra một sản phẩm thời trang, cho đến việc tìm hiểu các loại chất liệu vải, kỹ thuật in ấn, xử lý chất liệu.. Nắm bắt được các xu hướng thời trang mới nhất, quan sát những thiết kế của các thương hiệu lớn để có thể tạo ra những thiết kế hợp thời và có tính ứng dụng cao.

Quá trình anh thực hiện 01 tác phẩm / dự án?

Mình thường thực hiện các dự án theo hình thức ra mắt các bộ sưu tập, mỗi bộ thường có từ 2 cho đến 6 thiết kế. Chính vì thế mà các tác phẩm của mình sẽ có tính đồng bộ về phong cách thể hiện cũng như có nội nội dung, chủ đề theo mỗi collection (bộ sưu tập). 

Trước khi bắt tay thực hiện dự án, mình dành rất nhiều thời gian để xác định được ý niệm và mục đích mà mình muốn truyền tải thông qua bộ sưu tập, để từ đó mình có thể liệt kê và rồi chọn lọc những keywords (từ khóa) mà mình sẽ bám sát. Tạo moodboard là điều không thể thiếu, đây sẽ là bước hình ảnh hóa, cụ thể hoá phần nào những nội dung mà mình đã đặt ra, đồng thời cũng tạo ra sự đồng bộ, thống nhất cho mỗi thiết kế của bộ sưu tập. 

Bước thực hiện vẽ các hoạ tiết có lẽ là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất. Tuỳ vào yêu cầu khác nhau mà chọn cách vẽ, thể hiện họa tiết phù hợp, có thể là vẽ bằng màu nước, sơn dầu, digital (kỹ thuật số) cũng có thể là bằng hình ảnh. 

Thay vì vẽ một bức tranh hoàn thiện như thông thường, thì vẽ hoạ tiết có sự khác biệt đó chính là sẽ vẽ từng đối tượng độc lập, tách biệt rồi sau đó mới ghép lại tạo thành bố cục bằng phần mềm thiết kế đồ hoạ, như vậy mới có thể dễ dàng chủ động tùy biến tạo ra nhiều hoa văn, bố cục khác nhau. 

Để thực hiện một mẫu thiết kế cơ bản mình thường vẽ từ 3 cho đến 6 hoạ tiết, thông thường sẽ là 1-2 hoạ tiết chính và 2-3 hoạ tiết phụ rồi sau đó sẽ sắp xếp các hoạ tiết này thành các hoa văn dựa trên bố cục có tính lặp lại hay còn gọi là repeat pattern. Cách xếp bố cục như vậy nhằm cho mục đích đưa vào sản xuất, in ấn hàng loạt. 

Sau khi có file thiết kế thì mình sẽ tiến hành in thử trên những mảnh swatch (mẫu vải) để kiểm tra màu sắc, độ hoàn thiện cũng như kích thước của hoa văn hoạ tiết đã phù hợp hay chưa. Đây là công đoạn cuối cùng đảm bảo cho chất lượng của thành phẩm. 

Những điểm nổi bật mà anh muốn kể với mọi người về tác phẩm của mình?

Thực sự mà nói mình vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm để có thể tạo ra sự khác biệt trong các thiết kế của mình. Tinh thần Á đông là yếu tố đầu tiên mà mình muốn đưa vào trong các thiết kế của mình, từ cách sử dụng bảng màu sắc cho đến thủ thuật tạo hình. Mình lấy cảm hứng rất nhiều từ tranh truyền thống không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những quốc gia châu Á khác. Mọi người thường nói màu sắc trong tác phẩm của mình rất rực rỡ, và tạo hình thì có phần ma mị, cổ quái. Tuy nhiên mình cũng rất cố gắng tiết chế để không quá bị lạm dụng và lệ thuộc dẫn đến tình trạng bị gọi là “chiếm dụng văn hoá”.

Ngoài những giá trị về nghệ thuật, thẩm mỹ mình vẫn luôn mong muốn các tác phẩm, sản phẩm của mình có tính nhân văn hơn bằng cách lựa chọn các chủ đề về các loài động vật như là côn trùng, các loài thú, chim đặc hữu của bản địa hoặc có tên trong sách đỏ. Với mong muốn phần nào lưu giữ được hình ảnh của chúng thông qua nghệ thuật cũng như đưa các loài vật này đến gần hơn với mọi người. 

Mỗi loài vật khi được mình chọn lựa làm chủ đề sáng tác đều được mình nghiên cứu rất kỹ từ hình dáng, tập tính, môi trường sinh cảnh cho đến tình trạng hiện tại để rồi từ đó có thể lồng ghép vào đó những câu chuyện, góc nhìn mang tính cá nhân của mình để cho tác phẩm sinh động và có chiều sâu hơn.

Anh có suy nghĩ gì Surface Design ở Việt Nam trong tương lai?

Như mình có chia sẻ trước đó, Surface design không phải là một ngành nghề mới ở Việt Nam, tuy nhiên thì mình nhận thấy rằng nó chưa thật sự phát triển và được mọi người nhìn nhận là một lĩnh vực nghề nghiệp. Số lượng hoạ sĩ, nhà thiết kế lựa chọn tập trung theo đuổi công việc này vẫn còn khá là ít. 

Một phần cũng do nhu cầu về sử dụng các thiết kế hoạ tiết có tính độc quyền và chất lượng cao chưa nhiều, chỉ có một vài thương hiệu thời trang cao cấp chú ý đến vấn đề này. Cùng với sự phát triển của các thương hiệu thời trang “local brand” trong nước, mình hy vọng rằng nhu cầu về sử dụng các thiết kế hoạ tiết độc quyền sẽ tăng lên. 

Nhờ đó mà giá trị của đồng thời mọi người sẽ chú ý và có cái nhìn xứng đáng hơn về vai trò của ngành nghề này. Và mình hy vọng sẽ có nhiều bạn trẻ hơn chú ý đến ngành nghề Surface Design, để có thể lựa chọn gắn bó và theo đuổi với công việc này, giúp cho cộng đồng surface design thêm phần đa dạng và phát triển hơn nữa.

--
Series "Nhân vật truyền cảm hứng" sẽ là talkshow thu nhỏ dưới hình thức blog, đó là những câu chuyện truyền cảm hứng của các nhà thiết kế đồ họa trẻ. Mục đích muốn tạo một cộng đồng thiết kế, sáng tạo cùng học hỏi lẫn nhau, biết đâu các bạn sẽ được truyền cảm hứng từ những điều đơn giản này!





Thông tin đội ngũ:

Viết bài & Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work
Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code