Ad Code

Maztermind & Board Game - Trò chơi trên bàn: Quá trình thể nghiệm, hơn hết là “Play in Style” | blank-lab

Cảm hứng mỗi ngày  ‣  Sáng tạo khác biệt  ‣  Thể nghiệm không ngừng

Những trò chơi Board Game khai thác chất liệu truyền thống quen thuộc - nó khiến tôi không khỏi bồi hồi cảm xúc khi cầm chúng. Một phần vì nó là kỷ niệm tuổi thơ của tôi, phần khác nó được xuất hiện một lần nữa ở thời hiện đại mà tôi đang sống.

Thế nên, tôi phải viết ngay những cảm xúc cho bài viết mới này. Chuyện là, lý do mà tôi quan tâm về chủ đề có lẽ là vì bạn của tôi đăng ảnh, ‘khoe’ những trò board game trong lúc cận Tết, mà ‘hắn’ có vẻ thích thú với chiến tích đầy thắng lợi tại công ty. “À ừ, thì tôi cũng nhớ lại, cũng có chơi, mà năm nào cũng thua!”. Vì thế, board game - từ khóa này đã làm tôi thật sự thu hút và tìm hiểu. Đơn vị sản xuất trò chơi board game thủ công trên thị trường Việt Nam cũng khá dễ để tôi có thể tìm ra. Một trong số đó, tôi có bắt gặp Maztermind - cũng một phần khác mà tôi biết về họ, gần đây dự án mới Bầu Cua Lộc Uyển được tung ra trên các nền tảng truyền thông và có những bài viết giới thiệu sản phẩm họ trở nên rộng rãi trước ‘newsfeed’ của tôi. Để không khỏi chờ đợi, tôi cùng blank liên hệ với Maztermind trò chuyện để hiểu rõ hơn về họ & những dự án. Và tất nhiên với định dạng tại blank, mình sẽ nói về nhân vật trước sau khi đến showcase (tạm dịch: giới thiệu tác phẩm đến mọi người) nhé!



Maztermind: “Bạn không chỉ sống trong trò chơi của chúng tôi mà còn là người chơi và người trải nghiệm đầy cá tính - Play in Style” 

Maztermind là đơn vị cung cấp sản phẩm ‘trò chơi trên bàn’ đề cao tính thủ công với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, cụ thể từ thiết kế ‘trên mặt giấy’ đến xưởng thủ công. “Mong muốn tạo ra trải nghiệm khác biệt nhưng nguyên bản của những trò Board Game truyền thống” Đội ngũ Maztermind cho hay

Một trong những thông tin thú vị khác mà blank khai thác được, Maztermind: trò chơi để chơi, kết nối, chia sẻ, thẩm mỹ và cá tính (style). Tôi cũng hiếu kỳ và hỏi ngay trong tên gọi, đội ngũ giải thích, Maztermind tiếng lóng Mastermind (tạm dịch: có tư duy cá tính, có gu). “Ẩn ý ngay từ trong chính tên gọi, Maztermind chỉ điểm những người tiên phong, vạch ra kế hoạch và điều khiển cuộc chơi. Vì lẽ đó, người chơi board game của nhà Maztermind đã được chọn lọc không chỉ về mặt cá tính - như cách chúng tôi thiết kế phong cách, mà còn về sự đặc biệt về tư duy chơi - như cách chúng tôi thiết kế sắp đặt” Đội ngũ chia sẻ thêm.


Anh Toàn Nguyễn - Nhà sáng lập The Craft House & Maztermind


Dung Lê - Product Design Manager tại Maztermind

Chia sẻ về lý do Maztermind định hướng trở thành doanh nghiệp sản xuất board game truyền thống. Có lẽ xuất phát từ cuộc gặp gỡ, nói chuyện, Lê Dung - Product Design Manager chia sẻ: “Cuộc gặp gỡ, nói chuyện đầy tình cờ giữa mình và anh Toàn Nguyễn - hiện là Founder Maztermind & The Craft House. Lúc đó, ý tưởng trong anh mong muốn tạo ra được sản phẩm thủ công, kết hợp giải pháp giữa thiết kế sản phẩm và nghệ nhân thủ công, đưa đến thị trường một sản phẩm cao cấp và tôn vinh nét văn hóa truyền thống. Thế là anh Toàn & mình cùng đội ngũ không ngần ngại thực hiện ngay.” 

Bắt đầu với board game truyền thống trong nước: Bầu cua cá cọp và sau đó là những board game ở quốc tế du nhập vào nội địa, có thể kể đến: backgammon, cờ tỷ phú, cờ vua, cờ cá ngựa.. Những sản phẩm từ Maztermind đạt được sự đa dạng trong cách thể hiện (concept), khi khắc hoạ nét truyền thống trong việc sử dụng chất liệu, khi lại xuất hiện vô cùng hiện đại trong những thiết kế của họ. Nếu được nói về họ trong kỹ thuật tạo hình sản phẩm, tôi nghĩ mình có thể tóm gọn lại rằng là đa tính cách, kết hợp đa chất liệu và cập nhật mới trong cách tìm hiểu.






Hình ảnh được trích từ Maztermind
Tôi thật sự được truyền cảm hứng từ lời thổ lộ ‘bất chợt’ để giới thiệu về Maztermind của Mai Phương - Marketing Manager: “Board game từ Maztermind không đơn thuần chỉ là trò chơi, nó còn là ý niệm chúng mình muốn gửi gắm đến người chơi rằng hãy thực sự trải nghiệm sản phẩm để cảm nhận phong cách và tinh thần Maztermind muốn mang đến. Bạn không chỉ sống ở trò chơi của chúng tôi, bạn hãy trải nghiệm, hãy chơi đùa với trò chơi này của tôi đi. Nó mang cho bạn những điều cá tính, phong cách hơn bao giờ hết.

Đề cao tính thủ công trong quá trình sáng tạo dựa trên yếu tố con người

Quá trình sản xuất chung của Maztermind & những chia sẻ về trải nghiệm dự án là phần tiếp theo mà tôi sẽ kể. Có 04 bước chính trong quá trình: (1) Research: Tìm hiểu, nghiên cứu - (2) Idea & Moodboard: Ý tưởng & Bảng tạo Cảm hứng - (3) Prototype Sample: Mẫu thử nghiệm - (4) Experimentals: Những thể nghiệm khác. Cùng với đó, có 03 đội nhóm (team) tham gia vào quá trình này: Team Thiết kế đồ họa - Team R&D - Nghệ nhân.

(1) Phần Research (tìm hiểu) - Dung chia sẻ, nó thật sự quan trọng, tuy nhiên sẽ cần giới định một lượng thời gian đủ cho phần này, tùy theo từng dự án. Cô giải thích thêm: “Mình có một khoảng không gian để cho bản thân được đắm chìm trong đó, cứ bơi với bể kiến thức (nhiều chữ), và mình càng tìm hiểu càng thấy có nhiều ý tưởng le lói trong đó. Rồi sau đó mình mới có chút lý trí khi bắt đầu giai đoạn 2, ý tưởng & cảm hứng..”

(2) Phần ý tưởng & cảm hứng cho dự án được hệ thống sau khi đã tìm ra những thông tin, tính chất về trò chơi truyền thống mà Maztermind hướng tới. Nhiều ý tưởng được Dung lấy ra từ những bài viết, sách vở nguồn tài liệu khác.. tiếp sau đó là lên Moodboard để  gợi cảm giác “thành hình” trong phong cách sắp được làm ra.

(3) Bước Prototype Sample mẫu thử là phần mà tôi nghĩ được Dung thổ lộ đầy tâm huyết nhất, vì nó là bản thử để chuẩn bị bước sang giai đoạn sản xuất khoảng hơn 400 bản cho sản phẩm. Cần cẩn trọng trong lựa chọn, tìm ra những vấn đề sẽ phát sinh, từ đó khắc phục để quy trình sau được trơn tru. 







“Mình đã từng gặp vấn đề màu sắc trong bước Prototype Sample. Đó là dự án bộ Cờ Tỷ Phú Islandopoly - đây lần hợp tác với chị Lys Bùi. Về mặt cấu trúc, phần chi tiết phía dưới để tạo ra những mảng đại dương có hiệu ứng ‘chìm, nổi’ sử dụng chất liệu resin để tạo hình tương ứng. Sản phẩm đưa ra cần tạo ra hiệu ứng khác như: sự trong suốt của vật thể với màu sắc dự định trước.

Việc phối màu từ đó trở nên khó khăn, để tạo ra màu trong suốt, cần có công thức, quá trình tạo ra công thức cũng gây áp lực không kém. Khi Resin phản ứng với màu sắc khác, có bọt khí nổi lên, lớp sơn trên bề mặt bàn cờ có thể xuất phát phản ứng hóa học với Resin bị vàng.. Chị Lys Bùi và mình phải mất hơn vài 03 ngày để xuống tận xưởng để có thể pha màu, tìm ra giải pháp để khắc phục trước khi được sản xuất..”

(4) Cuối cùng trong di chuyền sản xuất là bước thể nghiệm, việc thử ra nhiều bản trong cách trộn những chất liệu tạo ra thành phẩm sáng tạo và khác biệt hơn trong vai trò vốn có của chất liệu đó. “Đây cũng là sự khác biệt của những sản phẩm chỉ có tại Maztermind” Dung nói.

Bộ cờ Cá ngựa thành Troy là dự án kỷ niệm mà Dung Lê muốn chia sẻ với độc giả của blank. Đây là một bộ cờ được lấy cảm hứng từ điển tích văn học nổi tiếng con ngựa thành Troy, dựa trên tư liệu thần thoại Hy Lạp. Cô bộc bạch chi tiết ý tưởng thiết kế sáng tạo cho bộ cờ này. 







“Bắt đầu từ hình dạng (shape) trong từng yếu tố trên bàn cờ: con ngựa / token, bàn cờ & đường nét. Đầu con ngựa ‘gục xuống’ được lấy ý tưởng từ chiến binh thành Troy. Xung quanh nó được cách điệu với đường nét được mô tả sắc lẹm, như người chiến binh đang chiến đấu trên chiến trường. Hay bàn cờ gỗ có thể tác được thành 04 mảnh, có nam châm ẩn bên trong..”

Chất liệu được sử dụng trong bộ cá ngựa thành Troy là gỗ, da thể hiện tính con người, sự thô mộc, chất liệu Việt. Về quá trình phát triển của team R&D (nhóm nghiên cứu & phát triển), tại xưởng để thử nghiệm, mất hơn 05 tháng cho công tác thiết kế, phối màu từ bản kỹ thuật số đến in ấn (thủ công)..

Sau tất, tôi dành riêng cho Dung một câu hỏi khá hóc búa, mà tôi nghĩ mình cũng là người đang thực hành thiết kế đồ họa (cần đang học hỏi ở Dung): Theo bạn, khi thiết kế, bạn sẽ nghĩ về chất liệu trước hay concept trước? 

Mình nghĩ cần tùy theo sản phẩm / brief (yêu cầu) để có thể định hình được là mình sẽ cần theo chất liệu hay concept. Có những sản phẩm sẽ cần nghĩ về chất liệu trước, phần thiết kế sẽ có đôi chút nương theo đó. Hoặc có những bộ thiết kế cần chú trọng về concept trước, sau đó chất liệu sẽ được thử nghiệm song song. 

Mình cũng hay nói vui với bản thân rằng: “Chân luôn đứng mặt đất, đầu nên ở trên trời!” khi thiết kế một sản phẩm. Cứ để bản thân phóng khoáng trước nhiều thứ dù là ý tưởng, concept hay chất liệu, rồi sau đó hãy thử nghiệm và chọn ra 01 giải pháp tốt nhất..

(...)








Chúng tôi kết thúc cuộc nói chuyện sau đó. Với những dự án tương lai, Maztermind bày tỏ về việc sẽ tiếp tục hành trình tạo ra những bộ sưu tập Board Game tiếp theo tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Vẫn không quên nhớ lại, bộ thiết kế mới nhất: “Bầu Cua Lộc Uyển” vừa được trình làng trong những ngày cuối năm vừa qua, đó cũng là ‘teaser’ cho bài viết showcase tiếp theo tại blank. Mời bạn đón xem ~

--
Series "Nhân vật truyền cảm hứng" sẽ là talkshow thu nhỏ dưới hình thức blog, đó là những câu chuyện truyền cảm hứng của các nhà thiết kế đồ họa trẻ. Mục đích muốn tạo một cộng đồng thiết kế, sáng tạo cùng học hỏi lẫn nhau, biết đâu các bạn sẽ được truyền cảm hứng từ những điều đơn giản này!


Thông tin đội ngũ:

Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Maztermind
Kiểm duyệt nội dung: Đạt Đỗ
www.datdo.work

Mọi thông tin xin liên hệ:
E    xinchaoblank@gmail.com
P    @blankcreativelab

blank-lab là một chuyên trang chia sẻ về thiết kế đồ họa, là một phòng thể nghiệm sáng tạo mang nét riêng biệt, dành cho các bạn yêu thích lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. blank-lab ở đây, đang chờ đợi bạn đến cùng tham gia, cùng khám phá những cảm hứng bên trong những điều bình dị nhất, thường ngày nhất.



Đăng nhận xét

0 Nhận xét

Ad Code